Tìm kiếm nhiều, vì sao người mua nhà chưa chịu xuống tiền?

Các kết quả khảo sát đều chỉ ra mức độ quan tâm và tìm kiếm các sản phẩm bất động sản đã tăng đáng kể trong thời gian qua nhờ hiệu ứng tích cực từ lãi suất giảm, pháp lý được tháo gỡ, tuy nhiên thanh khoản thực tế trên thị trường vẫn rất chậm.

Theo như kết quả khảo sát của batdongsancom cho hay, trong tháng 8 vừa qua, thị trường bất động sản có sự phục hồi so với tháng 07/2023. Đáng chú ý, nhu cầu tìm mua nhà đất trên toàn quốc tăng trung bình 5%, lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng 2% so với tháng 07/2023.

Mức độ quan tâm tăng

Cụ thể, tại Hà Nội, trong tháng 8, đất nền là loại hình có nhu cầu tìm mua tăng cao nhất, tăng 12% so với tháng 07/2023. Chung cư, nhà riêng, nhà mặt phố, biệt thự cũng có mức độ quan tâm tăng từ 7% - 9%. Chỉ riêng các sản phẩm đất nền dự án giảm 7% về lượt tìm kiếm.

Tại TP.HCM, nhu cầu tìm mua tăng cao nhất đối với nhà mặt phố và biệt thự (tăng 7%) trong tháng 8. Mức độ quan tâm tới chung cư, nhà riêng và cả đất dự án vẫn duy trì nhịp tăng ổn định từ 2 - 4% so với tháng 07/2023. Tuy nhiên, đất nền lại có lượt quan tâm giảm 1% so với tháng 07/2023.

Nhu cầu tìm thuê bất động sản toàn quốc trong tháng 8 cũng tăng trung bình 9% so với tháng 07/2023. Trong đó, nhà trọ có lượng quan tâm tăng mạnh với mức tăng 38% ở Hà Nội và 32% ở TP.HCM.

Lượng tìm kiếm tăng đáng kể, song thanh khoản thị trường bất động sản vẫn chưa bứt phá (Ảnh: Phạm Hòa).

Có thể thấy, mức độ quan tâm của khách hàng mua ở thực và nhà đầu tư đã tăng khá mạnh kể từ đầu quý III/2023, đồng nghĩa dấu hiệu hồi phục của thị trường cũng đang dần trở nên rõ ràng hơn. Giao dịch nhà đất đang bắt đầu xuất hiện với tần số dày hơn cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã bớt căng cứng.

Anh Hoàng Vũ, một “tay to” có 12 năm chuyên đất nền tại Hà Nội và các tỉnh vùng ven, cho hay đã ngưng chờ đợi để bắt đầu cuộc “đi săn” kể từ đầu tháng 7. Nhóm của anh gồm 5 người, tỏa đi nhiều tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang... để xem đất, với ưu tiên hàng đầu là những lô đất có vị trí đẹp, tầm giá 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng, nằm gần khu dân cư.

Cách đây 2 tuần, anh Vũ quyết định xuống tiền mua một lô đất rộng hơn 1,2 ha ở Bắc Giang, giá 1,2 tỷ đồng. Mảnh đất nằm cạnh sông, khá vuông vức và có sổ đỏ. Đường đi đã được xã mở rộng và làm đường bê tông, giao thông thuận tiện, cuối năm 2021 lô đất được rao hơn 3 tỷ đồng.

Tin liên quanĐể ngân hàng nới điều kiện cho vay, doanh nghiệp cần minh bạchĐể ngân hàng nới điều kiện cho vay, doanh nghiệp cần minh bạch

Niềm tin vẫn chưa trở lại

Những diễn biến thực tế cho thấy, các giải pháp gỡ vướng về pháp lý, “cởi trói” về phân lô tách thửa, đặc biệt là lãi suất ngân hàng liên tục hạ nhiệt, đang có tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư và những người mua nhà, đất có nhu cầu ở thực, qua đó đẩy lượng tìm kiếm tăng lên.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, niềm tin của khách hàng vẫn chưa thực sự trở lại và việc tìm kiếm hiện tại chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò. Điều này cũng lý giải vì sao sự quan tâm trên thị trường được cải thiện (qua lượt tìm kiếm), nhưng thanh khoản vẫn chưa tạo đột phá như kỳ vọng.

Anh Hoàng Tiến Dũng, một “siêu cò” có kinh nghiệm hơn 10 năm bán căn hộ tại khu Đông Hà Nội cho hay, tâm lý chờ đợi của khách hàng vẫn đang chi phối những nỗ lực vực dậy thanh khoản của doanh nghiệp, khiến thị trường khó phục hồi trong ngắn hạn dù mức độ quan tâm được cải thiện.

“Nhiều người vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm thêm nên vừa tìm kiếm vừa chờ đợi. Điều họ mong muốn nhất hiện tại là có thêm các chính sách chiết khấu, giãn thời gian thanh toán, ưu tiên chỗ đậu xe từ chủ đầu tư, đặc biệt là mức lãi vay thấp hơn từ ngân hàng…”, anh Dũng phân tích.

Tin liên quanDự báo biến động tỷ giá cuối năm: Diễn biến khó lường nhưng không quá lo ngạiDự báo biến động tỷ giá cuối năm: Diễn biến khó lường nhưng không quá lo ngại

Đáng chú ý, không chỉ với các sản phẩm nhà, đất, niềm tin của nhà đầu tư dù đã thoát “đáy” nhưng vẫn còn rất thấp với trái phiếu bất động sản. Đơn cử, trong một cuộc hội thảo gần đây, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, dẫn ví dụ gần đây nhất có doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường, tổng 2 đợt lên tới 12.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ bán được 800 tỷ đồng.

“Mọi chỉ dấu đều cho thấy niềm tin thị trường vẫn còn khá thấp. Tôi hy vọng tình hình trái phiếu được cải thiện thì quý III/2024 thị trường mới có thể phục hồi. Tuy nhiên, sự hồi phục đến đâu phụ thuộc rất lớn vào hành động của Chính phủ”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực đánh giá thị trường bất động sản đã và đang phục hồi, nhưng so với thời điểm hoàng kim thì mới được khoảng 20% - 30%. Có thể phải đến hết năm 2023, khi thị trường diễn biến theo kịch bản tốt hơn, niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư mới thực sự trở lại.

Cú hích lớn, theo ông Lực, sẽ bắt đầu từ đầu quý I/2024, bởi lãi suất đã và đang giảm, độ ngấm của chính sách dần tốt hơn, đặc biệt với mức độ tường minh khi 4 luật được Quốc hội thông qua trong tháng 10 sắp tới. Ngoài ra, những vụ việc vi phạm pháp luật trong năm 2023 về cơ bản sẽ được xử lý.

“Vì vậy, tôi có lời khuyên cho các nhà đầu tư là đầu năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư, bởi lãi suất giảm và giá bất động sản được điều hòa hợp lý”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh

Nguồn: Vnbusiness