Để ngân hàng nới điều kiện cho vay, doanh nghiệp cần minh bạch

Nhiều ngân hàng cho rằng luôn sẵn sàng hỗ trợ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp nhưng cần có dữ liệu tin cậy, minh bạch. Do đó, cả DN và ngân hàng cần đồng hành, chia sẻ trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đa phần các doanh nghiệp cho rằng, thời gian qua ngành ngân hàng đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến DN khó tiếp cận vốn.

Nhiều rào cản khiến Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh) cho biết, tài sản thế chấp, lãi suất vay vốn cao và thủ tục nhiều nấc vẫn là rào cản lớn trong quá trình tiếp cận tín dụng.

Lý do ở đây là các tổ chức tín dụng rất thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về DN, đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các DN dẫn đến thiếu cơ sở cho các tổ chức tín dụng ra quyết định cho vay.  

Do đó, bà Hồng kiến nghị giảm lãi suất, đưa các gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, đồng thời mong muốn ngân hàng cần xây dựng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường.

Chia sẻ với những khó khăn của DN, đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng chính ngân hàng cũng đang loay hoay với túi “tiền ế”, mong muốn được đẩy tiền ra nền kinh tế. 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV nhấn mạnh: “BIDV sẵn sàng hỗ trợ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân đáp ứng các điều kiện theo quy định của BIDV”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Ninh khẳng định, hỗ trợ khách hàng trong việc thiết lập, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục vay vốn; cải tiến, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thẩm định, phê duyệt, giải ngân; thực hiện cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn giá rẻ, giảm lãi suất huy động bình quân, để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất tiền vay; tiếp tục ưu tiên nguồn vốn và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất…

Để khơi thông dòng vốn cần có sự vào cuộc từ DN, ngân hàng và Chính phủ

“LPBank rộng mở chào đón quý khách hàng là cá nhân hay DN đến vay vốn với lãi suất ưu đãi nhất, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ và thời gian phê duyệt khoản vay nhanh nhất có thể”, ông Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc LPBank chi nhánh Bắc Ninh cho hay. Tuy nhiên, ông Sáng vẫn khẳng định trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn, ngân hàng phải rất cẩn thận trong việc cho vay vì có trường hợp DN vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, hoặc vay ngân hàng để trang trải chi phí tối thiểu. 

Vì vậy, ngân hàng phải xem xét kỹ DN vay vốn có khả năng trả nợ hay không. Do đó khó khăn hiện nay đến từ DN và ngân hàng và từ nền kinh tế là chính. Dự báo thời gian tới Fed tăng lãi suất nền kinh tế còn khó khăn nữa.

Đối với kiến nghị của DN về vấn đề nới điều kiện cho vay, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho rằng, DN cần minh bạch để tạo lòng tin với tổ chức tín dụng. “Hiện nay có thực trạng các DNNVV có nhiều báo cáo tài chính, báo cáo gửi cơ quan thuế thì lợi nhuận thấp, lỗ nhưng báo cáo gửi ngân hàng thì dòng tiền, lợi nhuận cao hơn. Do đó nhiều trường hợp không tạo được lòng tin với tổ chức tín dụng”, bà Hằng nêu thực trạng.

Cần sự vào cuộc của cả 3 bên

Ông Nguyễn Viết Sáng nhận định: Nhiều DN đang phải co cụm lại để trả nợ ngân hàng nhằm giảm tải chi phí. Một số khách hàng liên quan đến bất động sản phải đẩy nhanh bán sản phẩm để tránh việc trả nợ lãi ngân hàng, nhưng bất động sản không bán được, thanh khoản không có. Số lượng này ngân hàng đang phải xử lý rất nhiều. Để đẩy mạnh tăng trưởng dụng, ông Sáng nói: “Hiện nay các gói ưu đãi lãi suất chúng tôi truyền thông trên tất cả các kênh facebook, zalo... Hiệu ứng truyền thông rất lớn, ai cũng biết, nhưng tăng trưởng tín dụng không đủ bù đắp được tiền trở về ngân hàng”.

Tin liên quanLàm sao để vay tiền trả nợ ngân hàng khác?Làm sao để vay tiền trả nợ ngân hàng khác?

Ngoài ra, đại diện LPBank Bắc Ninh lý giải không phải do lãi suất LPBank cao mà mặt bằng lãi suất giữa các ngân hàng đang tương đồng, chênh lệch rất ít khoảng 0,5-0,7%/năm, nếu ngân hàng có lãi suất cao sẽ không có doanh nghiệp nào “chơi cùng”.

Ông cũng khẳng định: “Không ai hiểu người dân, doanh nghiệp bằng ngân hàng vì chúng tôi là người cho vay. Ngân hàng đang rất khó khăn do thừa vốn, chúng tôi đang tìm mọi cách đẩy vốn ra như giảm lãi suất cho tất cả các kênh vay mới và cũ. Hiện nay margin chênh lệch đầu vào đầu ra là 3,7%. Ví dụ ngân hàng cho vay 100 tỷ đồng mỗi năm lãi 3,7 tỷ, trong đó có chi phí nhân sự, trích lập dự phòng, mua bảo hiểm tiền gửi… tính ra lãi 0,2-0,3%. Như vậy, ngân hàng là DN có tỷ suất lợi nhuận thấp. Do đó cả DN và ngân hàng cần đồng hành chia sẻ”.

Trong khi đó, bà Giao cho rằng để gỡ được vốn, một mình ngân hàng không thể giải quyết được, cần có sự vào cuộc từ cả 3 bên. Chính phủ, các bộ ngành cần chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển thị trường vốn, giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng. Nghiên cứu các biện pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhằm chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin thị trường trợ giúp DN mở rộng thị trường,

Với DN, lãnh đạo BIDV đề nghị, DN thực hiện các biện pháp tái cấu trúc DN, cắt giảm các mảng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của DN. 

Ngoài ra, phải tăng cường mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra, nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu hàng tồn kho...

Nguồn: Vnbusiness