NHNN: Thông tư 06 không siết vốn vào bất động sản

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 06 mới không siết vốn vào bất động sản nói chung, mà chỉ ngăn chặn các nhóm đối tượng cho vay tiềm ẩn rủi ro.

Bắt đầu từ 1/9 tới, các ngân hàng thương mại sẽ không được phép cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư để thực hiện các dự án không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Đây là một trong những quy định mới của Thông tư 06 mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Tin liên quanLuật mới cho BĐS, Thông tư 06 bảo vệ người mua tốt hơn.Luật mới cho BĐS, Thông tư 06 bảo vệ người mua tốt hơn.

Thông tư mới áp dụng với các dự án "không đủ điều kiện kinh doanh". Theo doanh nghiệp, "điều kiện kinh doanh" có thể được hiểu là "điều kiện pháp lý", như: thủ tục cấp phép, quy hoạch..., hoặc "điều kiện mở bán", ví dụ như chung cư là phải xây xong móng. Hai điều kiện này hoàn toàn khác nhau, nên doanh nghiệp mong muốn được làm rõ.

"Đúng là không nên cho góp vốn vào dự án không đủ điều kiện pháp lý. Còn nếu như là điều kiện mở bán thì chúng tôi cho là đã có quy định của sở xây dựng các địa phương. Vì vậy, tôi e điểm này chỉ khiến thị trường phân vân, lo ngại và việc vận dụng cho các hợp đồng góp vốn sẽ rất khó khăn, trong khi nguồn vốn huy động từ khách hàng là nguồn quan trọng đối với các chủ đầu tư", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đánh giá.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sở dĩ ban hành quy định mới vì qua thanh tra cho thấy hợp đồng góp vốn, hợp tác kinh doanh tiềm ẩn một số rủi ro khi nguồn trả nợ phụ thuộc vào nguồn tiền của chủ đầu tư; nếu dự án chưa đảm bảo tính pháp lý thì sẽ càng rủi ro hơn. Thông tư mới không siết vốn vào bất động sản nói chung, mà chỉ ngăn chặn các nhóm đối tượng cho vay tiềm ẩn rủi ro. Bởi bất động sản là các khoản vay trung dài hạn, nếu không chọn lọc, thì có nguy cơ chôn vốn vào các dự án dở dang.

Tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy các ngân hàng không quay lưng với cho vay bất động sản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Không phải Ngân hàng Nhà nước siết chặt hơn, mà chỉ là quy định minh bạch hơn. Vì một số ngân hàng tư nhân khi chưa đủ pháp lý, họ đã cho vay đối với cá nhân theo hình thức hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng liên kết, đến khi dự án không hoàn thiện được thì rất khó xử lý", bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết.

"Chỉ những dự án nào mở bán công minh, rõ ràng thì ngân hàng mới đầu tư, thậm chí hạn chế những dự án bất động sản mình cho vay vào nhưng 10 năm, 20 năm vẫn chưa tiêu thụ được. Do đó, quy định của Thông tư 06 về cho vay bất động sản là trúng và nó hạn chế rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng", bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài khóa Tiền tệ Quốc gia, nhận định.

Tin liên quanNgành bất động sản có thể phục hồi từ giữa năm 2024Ngành bất động sản có thể phục hồi từ giữa năm 2024

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy các ngân hàng không quay lưng với cho vay bất động sản. Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Cơ quan này sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thông tư mới với các ngân hàng thương mại.

Nguồn: Cafef