Sóng 'tháo chạy' khỏi mặt bằng tiền tỷ khu vực trung tâm giờ ra sao?

Suốt nửa đầu năm 2023, một làn sóng tháo chạy khỏi mặt bằng tiền tỷ khu vực trung tâm đã bùng lên, và đến nay dường như chưa có dấu hiệu lắng xuống. Tình hình căng thẳng khiến không ít chủ mặt bằng buộc phải giảm giá 25-50% để kéo khách.

Gần một năm qua, giá thuê đắt đỏ đang khiến không ít thương hiệu từ lớn đến nhỏ tìm đường "tháo chạy" khỏi khu vực trung tâm TP.HCM. Khảo sát cho thấy, hàng loạt mặt bằng trên “đất vàng” đang bỏ trống hai bên các trục đường Lê Lợi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Chiểu, Đồng Khởi…

Vẫn “ế” triền miên

Đơn cử, trên trục đường Lê Lợi hiện có hơn 10 mặt bằng đang treo biển cho thuê, nhiều mặt bằng bị vẽ nguệch ngoạc, “cửa đóng then cài” đã nhiều tháng. Hiện, phần lớn mặt bằng có giá chào thuê trên 200 triệu đồng/tháng, cao hơn lên tới 500 - 600 triệu đồng/tháng.

Anh Trần Bình, môi giới thạo tin tại quận 1, cho biết giá thuê mặt bằng trên phố Lê Lợi đã rục rịch tăng trong gần một năm qua, khi rào chắn xây tuyến metro được tháo dỡ. Không chỉ ở Lê Lợi, giá thuê trên các con phố sầm uất khác ở trung tâm TP.HCM cũng đang ở mức rất cao, dao động trong khoảng 200 - 400 triệu đồng/căn/tháng. Đặc biệt, giá chào thuê cao nhất trên đường Nguyễn Huệ lên tới hơn 800 triệu đồng/tháng.

Khảo sát của Savills cũng cho thấy, trong suốt 3 tháng gần đây, lượng tiêu thụ mặt bằng khu vực trung tâm TP.HCM chỉ đạt khoảng 500 m2, thấp kỷ lục kể từ quý IV/2022.

Các chủ mặt bằng đang buộc phải giảm giá 15-30% để kéo khách thuê (Ảnh minh họa: HN).

Tương tự, tại Hà Nội, tình trạng ế ẩm kéo dài cũng đang bao trùm thị trường mặt bằng bán lẻ tại nhiều tuyến phố trung tâm. Đơn cử, hàng loạt nhà trên phố Hàng Bông, Đinh Liệt, Tạ Hiện… đang treo biển bán, cho thuê mặt bằng nhưng cả năm vẫn chưa có khách tới hỏi.

Những ngày đầu tháng 10, ghi nhận của phóng viên VnBusiness tại loạt sàn thương mại chuyên nhà đất ở một số quận trung tâm TP. Hà Nội cho thấy mặt bằng cho thuê vẫn để trống rất nhiều.

Ông Phong, quản lý một sàn môi giới trên đường Tây Sơn (Đống Đa), tiết lộ công ty ông đang vận hành hơn 10.000m2 mặt bằng sàn thương mại, nhưng kể từ cuối năm 2022, tình trạng chung là khách thuê rất ít, gần 70% vị trí đang bỏ trống.

"Chúng tôi đã giảm giá từ 15 - 20%, thậm chí lên tới 40% nhưng đối tác vẫn chọn trả mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua yếu, các công ty cắt giảm quy mô, hoặc chuyển ra ngoại thành để giảm chi phí", ông Phong lý giải.

Tin liên quanTìm kiếm nhiều, vì sao người mua nhà chưa chịu xuống tiền?Tìm kiếm nhiều, vì sao người mua nhà chưa chịu xuống tiền?

Theo chuyên gia, sau đại dịch Covid-19, những khó khăn về tài chính, sức mua giảm, khiến nhiều thương hiệu bán lẻ không còn bất chấp tiền bạc để đua mở rộng chuỗi cửa hàng, thay vào đó là tập trung cho chất lượng, khả năng sinh lời.

Điển hình như trường hợp của thương hiệu Starbucks Việt Nam. Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc, từng khẳng định đơn vị này vẫn duy trì kế hoạch mở rộng mặt bằng tại Việt Nam nhưng chỉ khi giá thuê chấp nhận được thì mới ký, không bất chấp để có những vị trí đẹp.

Chia sẻ để cùng vượt khó

Rõ ràng, các mặt bằng đắt đỏ tại “đất vàng” trung tâm đã không còn ở thời hoàng kim, được khách hàng bất chấp tiền bạc để tranh giành. Đáng chú ý, áp lực với các nhà cung cấp mặt bằng được dự báo sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi nguồn cung tiếp tục được đẩy lên.

Theo số liệu của Knight Frank Việt Nam, tại TP.HCM, tổng nguồn cung mặt bằng trong năm 2023 sẽ tăng khoảng 23%. Trong khi đó, tại Hà Nội, Cushman & Wakefield dự báo thị trường bán lẻ sẽ chào đón khoảng 450.778 m2 nguồn cung đến từ các dự án như Lotte Mall Hanoi, Lancaster Luminaire, BRG Park Residence, AEON Mall Giáp Bát, Shilla Hotel và Landmark 55.

Sự gia tăng của các trung tâm thương mại hiện đại được tổ chức bài bản sẽ khiến mặt bằng nhà phố trung tâm giảm sức hút khi loại hình này vừa đắt đỏ, vừa tồn tại nhiều hạn chế trong công tác quản lý, vận hành và tiện ích đỗ xe cho khách đến mua sắm.

Trước áp lực hiện nay, bà Hoàng Nguyệt Minh, chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội, cho rằng các chủ đơn vị bất động sản, đặc biệt là nhà phố cần thay đổi để thích nghi.

Trước hết, theo bà Minh, các chủ nhà cần hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo mặt bằng có đủ điều kiện cấp phép cho thuê về công năng sử dụng, đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy. Sau đó là cần đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng gây khó cho doanh nghiệp thuê.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch VARS, đánh giá thị trường bất động sản nói chung và mặt bằng bán lẻ nói chung đang có dấu hiệu tích cực hơn nhờ tác động của chính sách gỡ vướng của Chính phủ, lãi suất giảm, tuy nhiên vẫn cần thời gian để hồi phục.

Không ít khách thuê mặt bằng bán lẻ hiện có nhu cầu nhưng vẫn trong trạng thái chờ đợi để có được những mặt bằng rẻ hơn. Theo diễn biến chung, nhiều khả năng đến quý II/2024, thị trường mặt bằng bán lẻ mới dần khởi sắc, song cũng chỉ đạt khoảng 80% so với thời điểm trước năm 2019.

Với những khó khăn hiện tại, giới chuyên gia khuyến cáo các chủ mặt bằng cần linh hoạt hơn trong những chính sách cho thuê để đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Đây là thời điểm giữa bên có mặt bằng và người đi thuê cần chia sẻ với nhau để vượt qua khó khăn.

“Trong giai đoạn hậu giãn cách, làn sóng chia sẻ chi phí mặt bằng lên cao khiến nhiều hàng quán trụ lại được và mở rộng kinh doanh. Đến nay, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên “sức khỏe” nền kinh tế biến động, sức mua của người tiêu dùng giảm sút, các doanh nghiệp đang rất cần các chính sách ưu đãi mang tính chia sẻ của bên cho thuê”, một chuyên gia nói.

Tin liên quanToàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 9/2023Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 9/2023

Nguồn: Vnbusiness