Bộ công thương đề xuất phương án duy trì hiệu quả xuất khẩu

Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, đơn hàng giảm mạnh, việc tiếp tục đa dạng hóa và mở cửa các thị trường xuất khẩu mới, tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là những giải pháp cấp thiết hiện nay, để duy trì hiệu quả, cũng như vai trò - vị thế của hàng hoá Việt Nam...

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử: Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%... Cùng với đó, hầu hết các mặt hàng chủ lực cũng sụt giảm khá mạnh.

Cụ thể, dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm, Bộ Công Thương cho biết là do lạm phát vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ, nhất là tại một số thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử (như Mỹ, EU), nhu cầu nhập khẩu giảm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí đầu vào nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay dù đang giảm dần nhưng vẫn ở mức cao.

Tin liên quanDiễn biến giá hàng hóa Thế giới 6 tháng cuối năm và tác động tới Việt NamDiễn biến giá hàng hóa Thế giới 6 tháng cuối năm và tác động tới Việt Nam

Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính thắt chặt chính sách tiền tệ gây bất lợi cho giá xuất khẩu của Việt Nam và gia tăng cạnh tranh từ việc Trung Quốc đã mở cửa trở lại trong thời gian gần đây. Một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm.

Dự báo về tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng những thách thức trên vẫn tiếp diễn. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tin liên quanTriển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 của doanh nghiệpTriển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 của doanh nghiệp

Hơn nữa, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với nhiều rủi ro và thách thức. Nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới, trong đó châu Âu – châu Mỹ là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Ngoài ra, xu hướng các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam.

Tin liên quanKinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023

Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này...

Nguồn: VnEconomy