Diễn biến giá hàng hóa Thế giới 6 tháng cuối năm và tác động tới Việt Nam

Đại dịch Covid - 19, xung đột Nga - Ukraine, biến động phức tạp giữa lạm phát và suy thoái Mỹ, châu Âu, châu Á đã dẫn đến giá hàng hóa trên Thế giới rất khó lường, đạt đỉnh tăng giữa năm 2022 và sau đó giảm theo nhịp chậm của kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc trao đổi gần đây nhất, ông Phạm Quang Anh, giám đốc trung tâm tin tức hàng hóa Việt Nam (MXV), cho rằng do độ mở cửa nền kinh tế lớn, diễn biến giá hàng hóa thế giới đã và đang tác động lớn tới kết quả kinh doanh nhiều ngành nghề, đặc biệt tại các ngành có cấu trúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào lớn. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến các cân đối vĩ mô lớn của Việt Nam.

1. Giá các loại năng lượng trên thế giới giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, tính đến 26/6/2023, giá dầu Brent giảm hơn 11% so với đầu năm và giảm hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái; giá than và khí tự nhiên trong xu hướng giảm từ giữa năm 2022 và đang ở mức thấp nhất 1 năm qua. Vậy, nửa cuối năm 2023, giá năng lượng trên thế giới sẽ diễn biến theo xu hướng nào?

Trong vòng 1 năm qua, các mặt hàng năng lượng chính trên thế giới như dầu thô, than và khí tự nhiên đều giảm giá. Nguyên nhân chủ yếu đến từ bức tranh kinh tế tiêu cực tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Đây là các quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, nên lo ngại kinh tế suy thoái đồng nghĩa với sụt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, khiến giá giảm mạnh.

Trong nửa cuối năm 2023, nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nhất, đóng vai trò chi phối diễn biến giá năng lượng.

Cụ thể, đối với dầu thô, mặc dù đầu tháng 6/2023, OPEC+ đã thống nhất sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1,4 triệu thùng/ngày, áp dụng trong cả năm 2024, tuy nhiên giá dầu vẫn tiếp tục giảm. Điều này cho thấy, triển vọng về nhu cầu mới là yếu tố được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại. Triển vọng này sẽ được phản ánh qua các chỉ số kinh tế vĩ mô như GDP, CPI, PMI; hay thông qua các chính sách về lãi suất của các ngân hàng trung ương tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Nguồn cung giảm, nhưng nhu cầu cũng giảm, sẽ khiến giá dầu Brent ổn định ở vùng giá từ 70 – 80 USD/thùng trong tháng 7; sau đó có thể mở rộng ra khoảng giao dịch từ 65 – 85 USD/thùng trong quý III năm nay.

Diễn biến giá dầu Brent từ đầu năm 2023

Đối với các mặt hàng năng lượng khác như khí tự nhiên, than đá…, cũng sẽ ổn định ở các vùng giá thấp trong thời gian tới. Có một yếu tố có thể khiến giá hồi phục trở lại, đó là nền kinh tế Trung Quốc phản ứng tích cực với các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ. Tuy nhiên, đây vẫn là ẩn số, và chưa chắc đã đủ mạnh để chống lại tác động tiêu cực khi các nền kinh tế phương Tây rơi vào suy thoái.

Tin liên quanBáo cáo khảo sát tình hình Doanh nghiệp tháng 05/2023Báo cáo khảo sát tình hình Doanh nghiệp tháng 05/2023

2. Diễn biến trên có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam và ngành nghề/lĩnh vực nào bị tác động nhiều nhất bởi giá năng lượng?

Giá năng lượng thế giới được dự báo sẽ ổn định ở vùng giá thấp sẽ góp phần bình ổn giá xăng dầu, giảm chi phí sản xuất nhiệt điện,… qua đó ổn định hoạt động sản xuất trong nước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được sử dụng để tính CPI, ngành giao thông góp phần lớn nhất trong công cuộc kiểm soát lạm phát khi ghi nhận mức giảm 2,98% do giá xăng trung bình trong tháng 5 đã giảm 7,83% so với giai đoạn tháng 4. Bình ổn lạm phát trong nước là điều kiện tất yếu cho tăng trưởng bền vững.

Ngoài ra, giá năng lượng ổn định cũng sẽ là tín hiệu tích cực cho chi phí đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp, tối ưu biên lợi nhuận và hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, một số ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp của nước ta chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm, chịu tác động nhiều nhất bởi biến động của giá năng lượng, điển hình là công nghiệp hoá chất, vật liệu xây dựng như xi măng, gốm sứ…, cũng sẽ được hưởng lợi.

Mặc dù vậy, thách thức vẫn sẽ thuộc về yếu tố “đầu ra”. Chi phí năng lượng thấp hơn giai đoạn năm ngoái đem lại lợi ích cho các hoạt động tiêu dùng, sản xuất, nhưng cũng phản ánh lực cầu hạn chế.

Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đang chịu sức ép từ lãi suất cao. Do đó, chi phí sản xuất hàng hóa có thể là lợi thế, song hoạt động bán hàng, nhất là hoạt động thương mại xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác được dự đoán sẽ là bài toán khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước cần phải đối mặt.

3. Những nhận định về giá cả phân bón, hóa chất, vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp trong nước đối với nửa cuối năm nay?

Với đặc thù giá gas và giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất các lĩnh vực như phân bón, hóa chất, nên dự báo giá năng lượng thế giới ổn định trong nửa cuối năm 2023 cũng sẽ là tín hiệu tích cực cho chi phí đầu vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Giá gas chiếm tới khoảng 80 - 90% giá thành sản xuất amoniac, đầu vào quan trọng để sản xuất phân đạm ure, DAP. Nguồn cung khí đốt, đặc biệt là mức dự trữ tại châu Âu tương đối cao, sẽ giúp hạ nhiệt và bình ổn giá khí, cũng như giá phân bón trên thế giới.

Tin liên quanTriển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 của doanh nghiệpTriển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 của doanh nghiệp

Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) đã đưa ra kịch bản lạc quan cho thị trường phân bón với nguồn cung năm 2023 tăng 2,2% so với năm 2022, đạt 263 triệu tấn, trong bối cảnh giá năng lượng thấp hơn năm ngoái làm giảm giá thành. Điều đó sẽ đảm bảo cho việc nhập khẩu, tiêu thụ tại Việt Nam, đồng thời mức giá ưu đãi cũng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong giai đoạn cuối năm nay.

Tương tự, ngành công nghiệp hóa chất cũng sẽ hưởng lợi từ chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, nhưng sẽ gặp thách thức lớn hơn bởi tình hình tiêu thụ.

Nhu cầu của các thị trường hóa chất xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc và Mỹ được dự báo sẽ giảm cho tới cuối năm 2023 do rủi ro tăng trưởng. Với phốt pho vàng, nhu cầu toàn cầu suy yếu do sản xuất chất bán dẫn sụt giảm. Dự báo từ thị trường chất bán dẫn toàn cầu cho thấy mức giảm 4% vào năm 2023 xuống còn 557 tỷ USD, và đây là lần giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2019.

4. Một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế Việt Nam là nông nghiệp, ông nhận định gì về giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hồ tiêu, gạo, cà phê, đường, cao su… trong 6 tháng cuối năm?

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá của hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực tại Việt Nam như cà phê, gạo, đường,... đều tăng cao do thiếu hụt nguồn cung, trong khi các nước nhập khẩu gia tăng nhu cầu dự trữ lương thực.

Thậm chí, giá cà phê Robusta trên sở ICE đã đạt ngưỡng kỷ lục 2.800 USD/tấn vào đầu tháng 6 năm nay. Điều này đã giúp giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, vượt 67.000 đồng/kg.

Hiện nay, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình hội nhập thương mại quốc tế với độ mở thương mại lên tới 200% GDP. Do đó, bên cạnh những ảnh hưởng từ cung – cầu thị trường nội địa, giá các mặt hàng nông sản như cà phê, đường, gạo... chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới.

Tin liên quanTổng quan kinh tế Việt Nam tháng 05/2023Tổng quan kinh tế Việt Nam tháng 05/2023

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, nguồn cung các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, gạo,... nhìn chung sẽ có sự cải thiện so với giai đoạn đầu năm. Nổi bật là sự gia tăng nguồn cung của mặt hàng cà phê khi niên vụ 2023 - 2024 bắt đầu thu hoạch vào tháng 9 tới và giới chuyên gia đều nhận định sản lượng cà phê niên vụ mới của chúng ta sẽ cao hơn với niên vụ hiện tại. Điều này giúp nguồn cung dần hồi phục trong giai đoạn cuối năm.

Tuy nhiên, nếu các nền kinh tế rơi vào suy thoái như lo ngại, nhu cầu sử dụng cà phê Robusta của Việt Nam sẽ tăng cao (do giá thành rẻ, được sử dụng nhiều trong sản xuất cà phê hòa tan), nên giá cà phê dự báo sẽ vẫn duy trì ở vùng giá cao trong giai đoạn cuối năm.

Đối với mặt hàng gạo, nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao tại các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và hoạt động tăng cường dự trữ lương thực của các quốc gia phương Tây trước diễn biến khó lường của cuộc chiến Nga – Ukraine góp phần giúp giá gạo có thể tiếp tục duy trì tại vùng giá tốt.

Như vậy, trong 6 tháng cuối năm 2023, giá các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn có thể đảm bảo vùng giá tốt, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp hỗ trợ kinh tế hồi phục trong những tháng cuối năm.

5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất, vậy diễn biến giá cả của những mặt hàng này trong những tháng cuối năm tác động như thế nào tới cấu trúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp?

Một bài toán nan giải trong hoạt động thương mại của Việt Nam, đó là nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng tỷ USD của nước ta đang chịu sự lệ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, hay các sản phẩm trung gian. Điều này khiến cho hàng Việt bị lép vế trong cuộc đua vào chuỗi giá trị toàn cầu, giá bán khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm xuất khẩu tương tự, thậm chí mất lợi thế ngay trên "sân nhà".

Ảnh minh họa

Nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm tới khoảng 48,8% trong tổng cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam, có thể kể tới nhóm phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi; nhóm năng lượng bao gồm xăng dầu và khí đốt; hay các mặt hàng cao su, chất dẻo, hóa chất,…

Ngay cả nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu như vật liệu dệt may, da giày, máy tính và hàng điện tử cũng được nhập khẩu lượng lớn. Việt Nam cũng nhập khẩu sắt thép (khoảng 3% kim ngạch) nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa và sản xuất các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn phục vụ xuất khẩu.

Trong các tháng cuối năm, xu hướng chung của giá nguyên vật liệu sản xuất được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức ổn định hơn rất nhiều so với năm ngoái, sẽ giúp hạn chế áp lực bài toán chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro, khi chi phí sản xuất trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ diễn biến giá hàng hoá trên thế giới trong trường hợp có biến động bất ngờ.

Do đó, các doanh nghiệp vẫn cần theo dõi biến động giá nguyên vật liệu, bao gồm các yếu tố ảnh hưởng mạnh tới giá như rủi ro địa chính trị, hay tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Cấu trúc chi phí nguyên vật liệu hạ nhiệt, song thách thức tìm nguồn tiêu thụ vẫn sẽ là bài toán nan giải, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều sức ép làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng trên thế giới.

Dự ánGran Melia Nha TrangGran Melia Nha Trang

Nguồn: Vneconomy