Đà Nẵng cần trải 'thảm đỏ' cho ngành vi mạch bán dẫn

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho rằng Đà Nẵng cần trải thảm đỏ với các cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp xây dựng thủ phủ vi mạch bán dẫn.

Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, do UBND Đà Nẵng tổ chức ngày 10/10/2023, ông Trương Gia Bình đánh giá Đà Nẵng có cơ hội đi đầu và trở thành trung tâm phát triển vi mạch bán dẫn của thế giới.

Để có tên trong hệ sinh thái bán dẫn thế giới, ông Bình cho rằng Đà Nẵng nên lựa chọn đi những bước đầu tiên là phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng ngành này.

Thành phố có thể bắt tay với các công ty, tập đoàn lớn để đào tạo nhân lực trực tiếp hoặc từ xa. Nếu nhu cầu trong nước lớn nhưng chưa đồng bộ, có thể gửi nhân lực sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc làm việc để đào tạo nguồn nhân lực nhanh chóng, sau đó đưa nhân sự này quay về làm tại Đà Nẵng. Ông Bình cũng đề xuất thành phố xây dựng chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia từ nước ngoài, tạo điều kiện để họ gắn bó, cùng phát triển.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, phát biểu tại hội thảo bán dẫn ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Về thu hút đầu tư, ông chia sẻ bài học của chính FPT là "đứng trên vai những người khổng lồ", hợp tác với các công ty lớn trên thế giới, kêu gọi những tập đoàn lớn nhất vào Đà Nẵng như Intel trước đó. Đây là khởi đầu quan trọng vì "trâu ăn theo đàn" là tâm lý chung của tập đoàn nước ngoài.

"Điều quan trọng là phải trải thảm đỏ đón doanh nghiệp", ông nói và nhấn mạnh "thảm đỏ" không phải bằng tiền, mà là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và cả tâm huyết của lãnh đạo, nhân dân.

Theo Chủ tịch FPT, thế giới đang nói nhiều về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhưng "chưa ai làm đàng hoàng". Nếu Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt trong hệ sinh thái thì sẽ đáp ứng tiêu chuẩn thành phố xanh của thế giới.

Tin liên quanĐà Nẵng, hướng đến nền tảng phát triển dài hạnĐà Nẵng, hướng đến nền tảng phát triển dài hạn

Đồng quan điểm, ông Trịnh Thanh Lâm, Tổng giám đốc Synopsys khu vực Nam Á, cho rằng phát triển công nghiệp bán dẫn cần tối tác chiến lược để tạo lập thị trường, cung cấp nhân lực, cơ sở hạ tầng, tạo lập mối quan hệ với các hãng hàng đầu thế giới để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông cho rằng nhân lực trong lĩnh vực này ngoài đào tạo cơ bản phải có hệ thống đào tạo chuẩn quốc tế về tiếng Anh, văn hóa làm việc đa quốc gia. Nhà nước cũng cần đầu tư hạ tầng tính toán hiệu năng cao dùng chung cho các đại học và startup, tiết kiệm chi phí sản xuất thử, hỗ trợ cung cấp giáo trình, chứng chỉ chuẩn quốc tế dạng upskill.

Ông Trịnh Thanh Lâm, Tổng giám đốc Synopsys khu vực Nam Á. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo ông Lâm, hiện Đà Nẵng đã thu hút nhiều doanh nghiệp vi mạch đến đặt trụ sở với hàng trăm nhân sự đến làm việc, như Synopsys, FPT Software, eSilicon, Savarti. Ngoài đầu tư, Synopsys cũng cam kết hỗ trợ công cụ và tư vấn cho Đà Nẵng để xây dựng nguồn nhân lực bán dẫn và vi mạch.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo đã giúp thành phố có cơ sở đưa ra các quyết sách phù hợp. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn. Thành phố cũng nghiên cứu, bổ sung lĩnh vực vi mạch, bán dẫn vào lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển thành phố để đào tạo nhân lực và đầu tư phát triển chip, đưa nội dung vi mạch, bán dẫn vào chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế của thành phố, áp dụng ngay từ 2024.

Năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, Internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác đóng góp 19,76% GRDP. Thành phố đang có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số, trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ trên 1.000 dân, đứng thứ hai toàn quốc và gấp ba lần trung bình toàn quốc; có 46.000 nhân lực công nghệ số.

Thành phố xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm. Hiện Đà Nẵng có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động.

Trong tuyên bố Mỹ - Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9, Mỹ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Tin liên quanQuan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ có thể mở đường cho các dự án FDI đến Việt NamQuan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ có thể mở đường cho các dự án FDI đến Việt Nam

Việt Nam đang có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó Đà Nẵng chiếm tỷ lệ 7%, còn TP HCM là 85% và Hà Nội 8%. Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư mỗi năm, hiện mới đáp ứng được 40-50%. Riêng nhân lực ngành bán dẫn cần 5.000-10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Nguồn: Vnexpress