- Chủ đề
- Tin tức trong nước
- Thông tư 06
- The Hill Villas Vĩnh Hội
- Sun Cosmo Residence Da Nang
- Tin tức Thế Giới
- Hoiana Residences
- Sol by Melia Cam Ranh
- Tập đoàn Sun Group
- Sân Golf Bà Nà
- Tin tức du lịch
- Sun Riva Vista
- Sun Hoàng Trà Đà Nẵng
- Gran Melia Nha Trang
- Sun Neva Island Đà Nẵng
- Le Méridien Residences Đà Nẵng
- Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư
- Thị trường Bất Động Sản
- Sân Golf BRG Đà Nẵng
- Vĩnh Hội- Quy Nhơn
- Warburg Pincus
- Lodgis Hospitality
- The Ocean Villas Quy Nhơn
- Hoiana Shores Golf Villas
- Fusion Resort & Villas Đà Nẵng
Điềm xấu kinh tế Trung Quốc: Xuất nhập khẩu cùng lao dốc
Đây là mức giảm xuất khẩu mạnh nhất của Trung Quốc được ghi nhận kể từ tháng 2/2020 - trước thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu...
Một hải cảng ở Trung Quốc
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7 vừa qua, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu trượt dốc. Nhập khẩu của nước này cũng giảm mạnh khi các áp lực trong nước làm suy yếu sự phục hồi hậu Covid của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8 cho thấy giá trị xuất khẩu của nước này tính bằng đồng USD giảm 14,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm xuất khẩu mạnh nhất của Trung Quốc được ghi nhận kể từ tháng 2/2020 - trước thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
Nhập khẩu tháng 7 giảm 12,4%, dẫn tới mức thặng dư thương mại tháng là 80,6 tỷ USD.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Bloomberg khảo sát dự báo xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc giảm 13,2% và nhập khẩu giảm 5,6%.
Tốc độ giảm mạnh hơn dự báo của nhập khẩu “phản ánh nhu cầu yếu trong nước” - nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management nhận định. “Tiêu dùng nói chung và tăng trưởng đầu tư ở Trung Quốc có lẽ đều đang khá yếu”, ông Zhang nhấn mạnh.
Một số nhà kinh tế cũng cho rằng sự suy giảm của giá trị nhập khẩu còn xuất phát từ nguyên nhân là giá hàng hoá cơ bản giảm. Ông Larry Hu, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc thuộc công ty Macquarie Group nhận định rằng với tình trạng giảm phát giá nhà sản xuất “đã xuống tới đáy trong 2 tháng qua do giá hàng hoá cơ bản sụt giảm”, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm theo.
Dù vậy, việc giá hàng hoá cơ bản trên toàn cầu giảm trong năm nay cũng là một tín hiệu xấu về nhu cầu và tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc - một quốc gia hàng đầu thế giới về tiêu thụ nguyên vật liệu thô.
Đầu năm nay, khi Trung Quốc mới dỡ bỏ các biện pháp chống Covid hà khắc, thế giới đã kỳ vọng nước này sẽ giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay bằng đà phục hồi mạnh mẽ dựa trên tiêu dùng trong nước. Nhưng đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang ngày càng yếu vì niềm tin và nhu cầu trong nước còn yếu - thể hiện phần nào qua việc nhập khẩu của nước này đã giảm liên 5 tháng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Trung Quốc dự kiến công bố vào ngày thứ Tư tuần này được cho là sẽ phản ánh giá cả đi xuống, và đó sẽ là một bằng chứng nữa về sự thiếu hụt của nhu cầu trong nền kinh tế.
Châu Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự suy giảm nhu cầu của Trung Quốc. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Đông Nam Á đồng loạt giảm với tốc độ hai con số trong tháng 7. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ giảm 11,2%, từ Liên minh châu Âu (EU) giảm 3%.
Trong bức tranh thương mại tháng 7 của Trung Quốc, mảng xuất khẩu cũng không kém phần u ám, bởi nhu cầu tiếp tục đi xuống trên thị trường toàn cầu - nhân tố khiến Trung Quốc không thể duy trì mức xuất khẩu kỷ lục ghi nhận trong năm 2021-2022, thời gian đại dịch hoành hành.
Riêng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 7 giảm 23,1%. Xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, EU, Brazil và Australia cũng đều giảm với tốc độ hai con số.
Mức/tăng giảm giá trị xuất khẩu (màu đen) và nhập khẩu (màu đỏ) hàng tháng tính bằng đồng USD so với cùng kỳ năm trước của Trung Quốc. Đơn vị: %.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tìm cách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng quy mô của các biện pháp kích cầu mà họ triển khai tới thời điểm này đều có trọng điểm và hạn chế. Nhà chức trách đã công bố một số chính sách để kích thích nhu cầu mua sắm nhà cửa, ô tô điện và các sản phẩm tiêu dùng khác, bên cạnh cắt giảm một số lãi suất tham chiếu, nhưng tuyệt nhiên chưa có một gói kích cầu quy mô lớn nào như mong đợi của giới đầu tư.
“Chính sách của Chính phủ Trung Quốc đã có sự thay đổi, nhưng chủ yếu tập trung vào khu vực bất động sản chứ chưa hẳn là để kích cầu. Bởi vậy, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Zhang nói.
Còn theo quan điểm của ông Hu, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách đối với bất động sản và tín dụng sẽ giúp nền kinh tế khới sắc trong nửa sau của năm nay.
“Việc giảm hàng tồn kho, thể hiện rõ qua việc chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm trong quý vừa qua, sẽ bớt dần đi. Và thậm chí, nhiều doanh nghiệp sẽ tăng hàng tồn kho trong mấy tháng tới đây. Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện trong nửa sau của năm nay, và qua đó kích thích nhập khẩu”, ông Hu phát biểu.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu của nước này trong 7 tháng đầu năm giảm 7,6%, còn 1,46 nghìn tỷ USD. Xuất khẩu giảm 5%, còn 1,94 nghìn tỷ USD.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn 5% cho năm 2023, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Quý 2 vừa qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng này có được một phần do cơ sở so sánh thấp là quý 2/2022 - thời điểm nhiều thành phố lớn của nước này gồm Thượng Hải phong toả chống Covid. Nếu so với quý 1, mức tăng trưởng quý 2 của kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 0,8%.
Nguồn: VnEconomy
Bạn đọc quan tâm
Tin tức liên quan