Để Việt Nam luôn là ‘vùng đất màu mỡ’ trên bản đồ thu hút FDI

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Bên cạnh đó, với tình hình thu hút đầu tư đang có những chuyển biến tích cực thì Việt Nam vẫn được xem là “vùng đất màu mỡ” trên bản đồ thu hút FDI, nhưng điều quan trọng là cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để trở nên hấp dẫn hơn nữa.

Sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, theo dự kiến vào tháng 10/2023, Công ty Amkor Technology có trụ sở tại Arizona (Mỹ) sẽ khởi công nhà máy tại Bắc Ninh với tổng đầu tư cho dự án này là 1,6 tỷ USD. Hoặc như Công ty Synopsys có trụ sở tại California (Mỹ) thời gian tới sẽ khai trương một trung tâm thiết kế và khởi nghiệp bán dẫn phối hợp với Saigon Hi-Tech Park.

Động lực mới cho đầu tư của Mỹ vào Việt Nam

Không những vậy, nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có hàng tỷ USD từ các gã khổng lồ công nghệ Mỹ rót vào Việt Nam với tâm điểm là ngành bán dẫn, điện tử.

Hiện đang có thêm những tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI, nhất là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Nhìn về tương lai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam và chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ, Ts. Burkhard Schrage (Đại học RMIT) cho rằng, quan hệ khăng khít này dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam, trong đó phải kể đến việc tăng cường vốn FDI.

Nhất là động lực mới cho đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Theo Ts. Schrage, kinh tế Mỹ dựa trên sự đổi mới và được công nhận rộng rãi với vị thế dẫn đầu trong các ngành công nghệ cao. Do đó, Mỹ là đối tác phù hợp khi Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2050 thông qua việc thay thế các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp bằng các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao.

“Đáng chú ý, các giám đốc điều hành cấp cao của Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing đã tham dự Hội nghị Đổi mới và Đầu tư Việt - Mỹ sau khi tuyên bố chung về Đối tác Chiến lược Toàn diện được đưa ra. Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo đến từ nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam”, vị chuyên gia của RMIT cho biết.

Và những thông báo hợp tác và FDI lớn đầu tiên trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới đã được công bố. Theo đó, Nvidia và Microsoft sẽ triển khai các dự án lớn về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Các tập đoàn có trụ sở tại bang California như Synopsys và Marvell đã thông báo sẽ xây dựng các trung tâm thiết kế chip bán dẫn tại Tp.HCM. Mỹ và Việt Nam cũng tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ ban đầu trị giá 2 triệu USD.

Tin liên quanMỹ và Việt Nam: Từ Đối Tác Đến Đối Tác Chiến Lược Toàn DiệnMỹ và Việt Nam: Từ Đối Tác Đến Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện

Một điểm đáng chú ý là FDI từ Mỹ vào Việt Nam trong những năm gần đây ở mức tương đối thấp trong tương quan với sức mạnh kinh tế Mỹ, xếp khoảng thứ 6, đứng sau Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này có thể là do các doanh nghiệp Mỹ ưu tiên triển khai FDI thông qua các công ty con ở nước ngoài hoặc hướng dẫn các nhà cung cấp của họ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, như cách nhà cung cấp chính của Apple là Foxconn (một doanh nghiệp Đài Loan) đã và đang đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo Ts. Burkhard Schrage, Việt Nam có thể mong đợi sự tăng trưởng trong FDI từ các doanh nghiệp Mỹ sau quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ. Việc Chính phủ Mỹ tăng cường hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp nước họ đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hội đồng quản trị đưa ra quyết định phân bổ vốn và các nguồn lực khác cho Việt Nam.

Cải thiện môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn nữa

Thực tế cho thấy đến nay, dòng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam dù vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều nước nhưng dấu ấn của các công ty Mỹ rất mạnh mẽ. Đó là sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, lâu dài cũng như mang đến công nghệ mới, việc làm, kiến thức kỹ thuật và chuyên môn, gia tăng ngoại hối... 

Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển môi trường đầu tư, kinh tế Việt Nam. Nhiều tên tuổi hàng đầu Mỹ đã hiện diện tại Việt Nam như Apple, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, Intel, GE, ACORN International, General Dynamics, Google... Đặc biệt, hãng Boeing mới đây cho biết muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu, xây dựng trung tâm kỹ thuật, mở rộng kết nối với các đối tác trong nước.

Tin liên quanVốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào khu công nghiệpVốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào khu công nghiệp

Theo đánh giá, Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty của Mỹ là do có sự ổn định về tình hình chính trị-xã hội, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế; Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá ấn tượng trong những năm gần đây; Sức hấp dẫn của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết trong những năm vừa qua; Việt Nam nổi lên là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như các chính sách đầu tư Việt Nam đang thay đổi theo hướng phù hợp hơn với các tiêu chí thúc đẩy đầu tư của Mỹ…

Còn theo dự báo mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán DSC, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ sự hỗ trợ từ chuyến thăm của tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng mang thêm nhiều dự án mới tới Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn được xem là “vùng đất màu mỡ” trên bản đồ thu hút FDI với nhiều lợi thế về chi phí và vị trí…

Như hồi cuối tuần rồi, Tp. Hải Phòng đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD do các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore rót vốn, mở rộng đầu tư. Các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư phần lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, thiết bị quang học, linh phụ kiện ôtô.

Trong khi đó, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch đầu tư các dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi các doanh nghiệp này kỳ vọng về sự phục hồi trong nhu cầu của các thị trường phát triển nhờ sự hạ nhiệt của lạm phát và giảm tồn kho. Đây cũng là các động lực chính thúc đẩy sự cải thiện đáng kể của vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong hai tháng gần đây.

Để tiếp tục đón nhận dòng vốn FDI rót mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới, TS. Burkhard Schrage nhấn mạnh ở mức độ cơ bản, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này bao gồm giảm thủ tục hành chính, đảm bảo pháp quyền và bảo vệ quyền sở hữu.

“Còn ở mức độ cụ thể hơn, nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp hỗ trợ khi thu hút FDI. Bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam có thể thu hút doanh nghiệp dựa vào các ngành này”, vị chuyên gia của RMIT chia sẻ.

Nguồn: Vnbusiness