Vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào khu công nghiệp

Dường như đang có cuộc đua ngầm của khối ngoại trong việc rót vốn vào Việt Nam, trong đó bất động sản khu công nghiệp đang ngày càng trở nên hấp dẫn khối này.

Các dự án kho bãi, nhà xưởng xây sẵn đang rất được khối ngoại quan tâm.

Chim lớn dọn ổ

Hơn một tháng trước, vào ngày 20/7/2023, Singapore dẫn đầu trong nhóm nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam năm 2023, Hàn Quốc đứng thứ 2 với gần 2,34 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,33 tỷ USD, chiếm gần 14,4% tổng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, thế cục đã thay đổi đáng kể. Tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Singapore vẫn dẫn đầu với mức vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư, Trung Quốc vươn lên đứng thứ hai với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư và tăng 90,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14,2% tổng vốn đầu tư và tăng 73,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...

Cuối tháng 8/2023, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long, lãnh đạo 2 nước đã chứng kiến lễ công bố văn kiện ghi nhớ hợp tác gồm phát triển 10 dự án VSIP tại các địa phương (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi); quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp của VSIP tại 4 địa phương (Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận).

Cùng với đó, Thủ tướng 2 nước đã tham gia nghi thức khởi công 3 khu công nghiệp của VSIP tại Bắc Ninh, Cần Thơ, Nghệ An; ra mắt Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore tại Bình Dương. Đây được xem là một trong những sự kiện lớn nhất năm của thị trường khu công nghiệp khi dòng vốn từ Singapore tiếp tục chảy mạnh vào phân khúc này, củng cố vị thế dẫn đầu ASEAN và đứng thứ hai trên thế giới về vốn đầu tư tại Việt Nam (với 3.273 dự án, tổng vốn đầu tư 73,4 tỷ USD).

Cũng vào cuối tháng 8/2023, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) công bố sẽ nghiên cứu đầu tư một dự án khu công nghiệp tại Nam Định quy mô từ 300 ha trở lên. Đây được xem là bước kế tiếp của tập đoàn đa ngành này sau khi đã triển khai thành công nhiều dự án khu công nghiệp ở phía Bắc.

Trước đó, Sumitomo đã đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên), Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc)… với tổng quy mô các dự án trên 1.012 ha và tổng vốn đầu tư 404,1 triệu USD.

Thực tế, từ nhiều năm nay, phân khúc bất động sản công nghiệp luôn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đứng thứ 2 trong các lĩnh vực hút vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Nền kinh tế với độ mở lớn mang đến nhiều hơn cơ hội đón dòng vốn FDI trong phân khúc này. Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục dẫn đầu về lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Kéo dài cơ hội hút vốn ngoại

Nhiều chuyên gia cho rằng, sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân cùng hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu nước này, dòng vốn từ “xứ kim chi” vào Việt Nam được kỳ vọng gia tăng mạnh hơn thời gian tới.

Trong tháng 9 này, Việt Nam tiếp tục được giới đầu tư quốc tế chú ý khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm chính thức (trong 2 ngày 10 và 11/9). Có thể sau công cuộc cắm cờ thành công của Vinfast trên đất Mỹ, các tập đoàn hàng đầu “xứ cờ hoa” đã chú ý nhiều hơn đến dải đất hình chữ S và “đáp lễ” bằng việc hiện thực hóa các hoạt động đầu tư.

Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao Dịch vụ công nghiệp Colliers Việt Nam cho rằng, việc thiết lập địa điểm sản xuất tại một quốc gia đòi hỏi kế hoạch dài hạn. Những biến động trên thị trường khu vực và toàn cầu, dù không thể tránh khỏi, nhưng đang thúc đẩy các nhà sản xuất tiếp tục triển khai kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng để vừa giảm thiểu rủi ro gián đoạn, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Để đón đầu làn sóng này và trở thành trung tâm hậu cần của khu vực, theo ông Chí, Việt Nam cần cải thiện tính liên kết vùng hơn nữa để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore.

Tin liên quanMỹ và Việt Nam: Từ Đối Tác Đến Đối Tác Chiến Lược Toàn DiệnMỹ và Việt Nam: Từ Đối Tác Đến Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện

Chuyên gia Colliers cho biết, so với một số nước Đông Nam Á, giá đất công nghiệp tại Việt Nam còn tương đối thấp. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử chọn nơi đây là điểm đến. Đơn cử, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc (EV) BYD Auto Co có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để sản xuất phụ tùng ô tô nhằm đa dạng hóa và tăng thêm chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam còn chứng kiến sự quan tâm liên tục từ các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và hàng tiêu dùng, một số tên tuổi lớn như Tập đoàn P&G, Tập đoàn Polaris… với những khoản đầu tư vào Việt Nam lên tới hàng tỷ USD trong thời gian qua. Thêm vào đó, nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi máy tính của Tập đoàn Quanta Computer (Đài Loan, Trung Quốc) có công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy tính/năm sẽ được xây dựng tại lô CN14 thuộc Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định), dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.829 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD)…

Thay vì thị trường quen thuộc, thị trường cấp 1 ở 2 miền Nam - Bắc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến các thị trường mới để khai mở ra cơ hội cho các khu vực tiềm năng. Thậm chí, một số khu vực lâu nay được xem là “thuần nông” như Đồng bằng Sông Cửu Long cũng bắt đầu thu hút các nhà đầu tư lớn.

Chẳng hạn, VSIP đang đầu tư dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) với quy mô 293,7 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.717,9 tỷ đồng. Công ty SLP Việt Nam đã đầu tư dự án nhà kho quy mô 29.000 m2 với tên gọi SLP Park Bình Minh tại Vĩnh Long. Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long đang chuẩn bị cho kế hoạch khởi công giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long quy mô 400 ha tại huyện Bình Tân, phân kỳ đầu tư chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có diện tích 255 ha và giai đoạn 2 là 145 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.600 tỷ đồng.

Ông John Campbell, Phó giám đốc kiêm Trưởng Bộ phận Dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam cho biết, các dự án đầu tư cho thấy sự cam kết lâu dài trong tầm nhìn phát triển kinh doanh, cải thiện chất lượng hệ thống logistic và bất động sản tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo ông John Campbell, những dự án mới này là nguồn cung bổ trợ cho thị trường khu công nghiệp TP.HCM vốn đang ngày một trở nên khan hiếm. Trong thời gian tới, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chọn khu vực này là điểm đến, đặc biệt là các ngành thực phẩm, đồ uống, chế biến sản phẩm nông sản thô.

Nguồn: baodautu