Tập đoàn điện khổng lồ của Hàn Quốc đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam

Ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Hyosung - tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện, nói không chỉ muốn mở rộng quy mô mà còn muốn Việt Nam là cơ sở để phát triển bền vững.

Chiều 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Đây là các thành viên thuộc phái đoàn 205 doanh nghiệp, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm Việt Nam. Tại toạ đàm, chủ tịch nhiều tập đoàn lớn Hàn Quốc đã thể hiện quan điểm, Việt Nam là cứ điểm sản xuất hàng đầu.

Chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun Joon cho biết coi Việt Nam là thị trường chiến lược. Hyosung, thành lập năm 1962, là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện xuất khẩu tới 70 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, họ đã đầu tư 3,5 tỷ USD, hiện diện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 9.000 lao động. Năm ngoái, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 20,1 triệu USD.

"Với nhiều hoạt động xúc tiến, chúng tôi không chỉ mở rộng quy mô mà còn muốn nơi đây trở thành điểm đầu tư bền vững để tập đoàn phát triển", ông Cho Hyun Joon nói.

Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun Joon tại toạ đàm chiều 23/6. Ảnh: Giang Huy

Theo ông, tập đoàn đang muốn đẩy mạnh phát triển các dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, mở rộng sang lĩnh vực công nghệ thông tin. Tới đây, Hyosung dự kiến tuyển thêm 10.000 lao động. Doanh nghiệp hy vọng được Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện về môi trường kinh doanh, đặc biệt ở khâu xin giấy phép, thực hiện thủ tục hành chính. "Chúng tôi mong muốn đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam", ông nói.

Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch LG Koo Kwang Mo cũng khẳng định, tập đoàn đã lựa chọn Việt Nam là cơ sở sản xuất quy mô lớn, cứ điểm của mình. Theo ông, kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 1995, doanh nghiệp đã rót vốn vào nhiều lĩnh vực. Hai bên có nhiều hợp tác phát huy được giá trị, ưu thế của mình. Chính phủ Việt Nam cũng hỗ trợ bằng các chính sách thúc đẩy các ngành mũi nhọn. Cuối năm ngoái, LG đã tiết lộ sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam.

Tin liên quanQuy hoạch điện VIII: Mở ra kỷ nguyên mới cho ngành điện, hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế cho Việt Nam.Quy hoạch điện VIII: Mở ra kỷ nguyên mới cho ngành điện, hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế cho Việt Nam.

Chủ tịch SK Chey Tae-won thì nói Việt Nam là thị trường có tiềm năng tăng trưởng đầy hy vọng. SK đang tiếp tục xúc tiến để mở rộng quy mô tại đất nước hình chữ S, ví dụ hướng đến khoản đầu tư 1,3 tỷ USD vào năng lượng tái tạo.

Không chỉ có các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp Hàn quy mô vừa và nhỏ cũng muốn đẩy mạnh đầu tư vào thị trường hơn 100 triệu dân này. Đại diện của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc FKI nói, Việt Nam là đối tác chiến lược, muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ cao, bán dẫn.

Chủ tịch Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) Cha Yol Koo đề xuất hai nước có thể hợp tác để khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng như đất hiếm trong thời gian tới. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam cũng mong Chính phủ có những điều chỉnh về thuế, quy chế, chính sách để hoạt động ổn định tại Việt Nam.

Tin liên quanTổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32%.Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32%.

Trước những chia sẻ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, 30 năm trước không ai có thể hình dung Việt Nam - Hàn Quốc có mối quan hệ như lúc này. Ở lĩnh vực thương mại, hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 82 tỷ USD.

Do đó, Thủ tướng tin tưởng trong tương lai hợp tác giao thương giữa hai nước sẽ còn nhiều bước tiến hơn. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Hàn tiếp tục xây dựng chiến lược đầu tư vào Việt Nam.

"Tôi mong các doanh nghiệp Hàn tiếp tục có những đột phá, cùng nhau đạt kết quả gấp 3-4 lần trong những năm tới", Thủ tướng nói và đề xuất Hàn Quốc xem xét đầu tư thêm vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa, giải trí.

Bên cạnh yếu tố lợi nhuận, ông nói, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm với Việt Nam ở các khía cạnh khác, hài hoà lợi ích giữa các bên. Với các đề xuất, trăn trở của doanh nghiệp, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tìm cách giải quyết phù hợp với tình hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chiều 23/6. Ảnh: Giang Huy

Tại Diễn đàn kinh tế giữa hai nước diễn ra cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói, mục tiêu đến năm 2030, hoạt động giao thương giữa hai nước sẽ đạt 150 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực. Ông hy vọng thông qua diễn đàn lần này, quan hệ thương mại hợp tác của hai nước sẽ lên tầm cao mới.

Tin liên quanThúc đẩy tiến độ hạ tầng công nghệ thông tinThúc đẩy tiến độ hạ tầng công nghệ thông tin

"Việt Nam là đối tác quan trọng. Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam phát triển về công nghệ thông tin, công nghệ cao", ông nói và khẳng định doanh nghiệp hai bên sẽ tìm được nhiều dự án để hợp tác cùng nhau.

Chiều nay, 106 biên bản ghi nhớ (MOU) thuộc nhiều lĩnh vực đã được ký kết giữa hai nước.

Nguồn: VnExpress