Điều gì giúp nông sản Việt ‘chảy’ mạnh vào chuỗi phân phối ở nước ngoài?

Những lời khuyên hữu ích từ các nhà thu mua quốc tế là điều mà các nhà cung cấp nông sản của Việt Nam cần hết sức lưu tâm để cải thiện và đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Đặc biệt là cần hiểu rõ thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn,hướng tới chuyển đổi xanh hóa - xem đây là xu hướng phát triển tất yếu, đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại. Có như vậy thì việc đưa nông sản Việt vào chuỗi phân phối ở nước ngoài sẽ không quá khó khăn và ngày càng... “tuôn chảy”.

Đưa ra yêu cầu cho các nhà cung ứng nông lâm thủy sản của Việt Nam trong chuỗi phân phối ở thị trường EU, ông Vincent Gothknecht, Trưởng đại diện Công ty I.Schroeder Đức, nhấn mạnh điều quan trọng là phải đạt các chứng chỉ, chứng nhận tiêu chuẩn về môi trường, lao động; cũng như đảm bảo tốt về truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU, với thủy hải sản thì cần có giải pháp đánh bắt/nuôi phù hợp với yêu cầu của EU.

Đầu tư nguồn lực lớn để thỏa mãn các yêu cầu bắt buộc

Chẳng hạn với xuất khẩu xuất khẩu thủy hải sản. Như lưu ý của ông Gothknecht, có không ít nhà cung cấp thủy sản của Việt Nam đã mất cơ hội vào thị trường EU vì gặp khó khăn với các mặt hàng thủy sản đánh bắt. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia lân cận Việt Nam với các sản phẩm thủy sản đánh bắt đã có chứng nhận MSC Marine Stewardship Council - MSC khai thác bền vững nguồn thủy sản nên họ vào thị trường EU tương đối dễ dàng hơn.

Các nhà cung cấp nông sản Việt cần đáp ứng, thỏa mãn những yêu cầu bắt buộc từ nhà thu mua quốc tế.

Ngoài ra, theo ông Gothknecht, để thâm nhập thị trường EU thì các nhà cung ứng nông sản của Việt Nam phải đầu tư nguồn lực khá lớn nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu bắt buộc nêu trên. Nếu thỏa mãn các yêu cầu này thì đầu ra của nông sản Việt sẽ luôn rộng mở, nhất là khi Công ty I.Schroeder vẫn đang tiếp tục tìm các nguồn cung ứng sản phẩm nông sản mới từ Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo bàn về việc đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài diễn ra ở Tp.HCM vào ngày 14/9, vị trưởng đại diện Công ty I.Schroeder cho biết, hiện công ty có khoảng 50 nhà cung ứng tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm nông lâm thủy sản. Thế nhưng, điều mà công ty băn khoăn không phải ở vấn đề về chất lượng sản phẩm mà điều cần ở các nhà cung cấp của Việt Nam là đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, thỏa mãn các yêu cầu trong các vấn đề đạt chuẩn về môi trường, giảm phát thải, trung hòa carbon…

Còn theo lời khuyên từ đại diện của Tập đoàn Central Retail Việt Nam, các nhà cung ứng nông sản Việt cần phải hiểu rõ thị trường, có kỹ năng mềm về tìm hiểu thị trường và chuẩn bị đầy đủ về nguồn hàng khi kết nối với chuỗi phân phối ở nước ngoài. Để gây ấn tượng tốt đẹp về sản phẩm khi lần đầu gặp gỡ kết nối nối với nhà thu mua thì nhà cung cấp nên đưa ra những câu chuyện có ý nghĩa về sản phẩm thay vì giới thiệu theo một cách thông thường đối với sản phẩm đó.

Vị đại diện của Central Retail cũng đưa ra dẫn chứng cho sự thành công của một nhà cung ứng nông sản thực phẩm Việt hồi năm trước ở Thái Lan khi trình làng hai sản phẩm bánh phồng tôm và tôm khô tại một hội chợ quốc tế và tham gia kết nối B2B doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Theo đó, sau khi khảo sát thị trường chủ động đến các chợ, siêu thị tại Thái Lan để tìm hiểu về nhu cầu các sản phẩm tương tự trước khi tham gia phiên kết nối với nhà thu mua, nhà cung cấp này nhận thấy tại Thái Lan các sản phẩm phồng tôm, tôm chỉ chiếm 25% trong thành phần. Trong khi đó, các sản phẩm cùng loại của nhà cung cấp có tới 40% tôm với nguyên liệu là tôm sinh thái…Nhờ vào sự chủ động tìm hiểu thị trường như vậy đã giúp nhà cung cấp gây ấn tượng tốt đối với các nhà thu mua ở Thái Lan.

Tin liên quanVốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào khu công nghiệpVốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào khu công nghiệp

Xu hướng “xanh hóa” đang hình thành luật chơi mới

Giới chuyên gia cho rằng, những lời khuyên hữu ích từ các nhà thu mua quốc tế là điều mà các nhà cung cấp nông sản của Việt Nam cần hết sức lưu tâm để cải thiện và đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Đặc biệt là từ quản lý và bảo đảm nguyên liệu đầu vào, xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới.

Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào chuỗi phân phối ở nước ngoài cũng cần thường xuyên cập nhật các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của một số thị trường, tối ưu hóa hoạt động logistic, phát triển xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử và có những giải pháp hạn chế rủi ro khi thanh toán…

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương

Có như vậy thì việc đưa nông sản Việt vào chuỗi phân phối ở nước ngoài sẽ không còn quá khó khăn và trở nên “tuôn chảy”. Ngoài ra, như lưu ý của bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, thách thức đối với nông sản Việt hiện vẫn còn rất lớn khi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo bà Hiền, các quốc gia không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các Luật, các quy định mới cụ thể hóa 2 mục tiêu trên mà còn lan tỏa đến cả các quốc gia khu vực khác thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 COP26 và COP27.

Trên thực tế, như chia sẻ của Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, EU là thị trường đi tiên phong trong vấn đề này với việc ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu EGD, nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

Như giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM. Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.

Hay cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng EUDR. Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.

“Có thể thấy, các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Mỹ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU. EU cũng nêu rõ các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai”, bà Hiền nói.

Chính vì vậy, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường và của các chuỗi phân phối ở nước ngoài thì điều mà các nhà cung cấp nông sản Việt cần làm là hướng đến việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, xem đây là xu hướng phát triển tất yếu và xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

Nguồn: Thế Vinh - Wichart