Sắp có làn sóng nông sản Hoa Kỳ 'đổ bộ' vào Việt Nam?

Các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ kỳ vọng có thể đem nhiều loại thực phẩm, nông sản của quốc gia này tới phục vụ người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, sẽ có nhiều cơ hội lớn ở lĩnh vực này khi quan hệ của Việt Nam – Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Theo số liệu thống kê, thương mại nông sản Hoa Kỳ - Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm gần đây, với kim ngạch thương mại nông sản song phương đạt con số 9,8 tỷ USD Mỹ trong năm 2022. Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn thứ 9 đối với nông sản Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với nông sản Việt Nam.

Không dừng ở con số tiêu thụ 2 triệu thùng táo/năm

Được biết, nhiều Hiệp hội ngành hàng thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sản phẩm nông sản sang Việt Nam như: Hiệp hội Xuất khẩu thịt heo, Hội đồng xuất khẩu gà và trứng, Hiệp hội khoai tây, Hiệp hội Việt quất, Hiệp hội nho khô, Hội đồng ngũ cốc, Hiệp hội Cao lương, Hội đồng nhân sâm Wisconsin…

Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ trung bình khoảng 2 triệu thùng táo Mỹ. 

Với ngành hàng trái cây, hiện Hoa Kỳ chỉ có 7 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu sang Việt Nam, quả thứ 8 đang kỳ vọng sẽ sớm sang Việt Nam trong thời gian tới là xuân đào.

Ông Francis Lee, Đại diện các nhà xuất khẩu trái cây sang Việt Nam dẫn chứng, táo Mỹ đang có sức tiêu thụ rất lớn tại Việt Nam, với sản lượng trung bình 2 triệu thùng/năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm như nho, cherry, việt quất… của Hoa Kỳ cũng đang được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng.

Bà Trần Mỹ Hạnh, đại diện cho Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ chia sẻ rằng, hiện nay, mỗi năm trung bình sản lượng đậu nành nguyên hạt của Hoa Kỳ chiếm khoảng 50% tổng nhập khẩu của Việt Nam; còn sản phẩm bã đậu nành, trung bình chiếm khoảng 10-15% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Ưu điểm của đậu nành Hoa Kỳ là chất lượng cao, sản xuất được gắn với quy trình phát triển và canh tác bền vững giúp phát thải carbon rất thấp.

Trong khi đó, bà Vũ Ngân Giang, đại diện Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC) cho hay, Hoa Kỳ là nước trồng và xuất khẩu lớn nhất thế giới về cao lương (Sorghum). Sản lượng 11.54 triệu tấn - MT (vụ 2021/2021), xuất khẩu 7.4 triệu tấn.

Theo bà Giang, Sorghum là loại ngũ cốc cung cấp năng lượng và protein từ thực vật, giàu chất chống oxi hoá, chứa đến 12 thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, không chứa gluten và không có thành phần tanin (chỉ tìm thấy tại Sorghum của Hoa Kỳ). Với sự linh hoạt trong việc sử dụng, Sorghum dễ dàng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như làm salad, làm bánh, làm pasta, mì,…

Tin liên quanĐể Việt Nam luôn là ‘vùng đất màu mỡ’ trên bản đồ thu hút FDIĐể Việt Nam luôn là ‘vùng đất màu mỡ’ trên bản đồ thu hút FDI

Tại Việt Nam, người Việt chủ yếu dưới hình thức nguyên liệu hỗn hợp với các nguyên liệu khác tại các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu. “Chưa có số liệu thống kê về nhập khẩu dưới dạng nguyên liệu đơn. Tuy vậy, sản phẩm Sorghum của Hoa Kỳ đang ngày càng được người Việt ưa chuộng”, bà Giang nhận định.

“Với xu hướng tìm tới những sản phẩm thực dưỡng, chất lượng, khoẻ mạnh Sorghum là một trong những nguyên liệu phù hợp với mục tiêu đó của người tiêu dùng Việt”, bà Giang chia sẻ.

Kỳ vọng giảm thuế cho nông sản Hoa Kỳ

Nói về kỳ vọng thương mại hàng hóa song phương, trong đó có mặt hàng nông sản khi Việt Nam – Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, nhìn nhận, ông không có khả năng dự đoán được số liệu những điều mà vị Đại sứ thấy là nhìn vào xu hướng phát triển thương mại hai nước trong 10 năm vừa qua (2013 – 2022),thấy rằng quan hệ thương mại giữa hai nước chỉ có tăng lên, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 300%, đạt gần 130 tỷ USD vào năm 2022, trong đó 10 tỷ USD thuộc về ngành nông nghiệp.

“Sau khi hai nước nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, chắc chắn thương mại hai nước, đặc biệt là mảng nông nghiệp sẽ theo chiều hướng đi lên, tôi trông đợi chúng ta nhìn thấy nhiều loại nông sản Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng như hàng Việt Nam ở Hoa Kỳ”, Đại sứ Marc Knapper kỳ vọng.

Tin liên quanMỹ và Việt Nam: Từ Đối Tác Đến Đối Tác Chiến Lược Toàn DiệnMỹ và Việt Nam: Từ Đối Tác Đến Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện

Đại sứ Marc Knapper bày tỏ: “Chúng tôi rất tự hào khi có thể mang đến những sản phẩm, nông sản từ những người nông dân, chủ trang trại, ngư dân Hoa Kỳ đến Việt Nam. Dĩ nhiên ở Hoa Kỳ cũng có những sản phẩm nông sản tuyệt vời đến từ Việt Nam. Tôi tin rằng những nông sản, thực phẩm của Hoa Kỳ rất tốt cho người tiêu dùng Việt Nam, nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam”.

Trong khi đó, ông Francis Lee cũng mong muốn khi nâng cấp quan hệ giữa hai quốc gia sẽ giúp nhiều loại trái cây của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể xem xét để giảm thuế nhập khẩu, từ đó giúp trái cây Hoa Kỳ cạnh tranh với các quốc gia khác ở thị trường Việt Nam.

Hiện, táo và nho Mỹ đang chịu thuế khoảng 8%, các loại trái cây khác là 10-15%. Nếu trong thời gian tới, dòng thuế giảm hoặc tiến tới xuống 0% sẽ giúp thêm nhiều loại trái cây Hoa Kỳ tới Việt Nam. “Người Việt rất thích trái cây, sâm, khoai tây, cũng như nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao của Hoa Kỳ”, ông Francis Lee cho biết.

Tương tự, ông Lê Văn Anh Tú, đại diện Liên đoàn xuất khẩu thịt Hoa Kỳ cho biết, sản phẩm bò ba chỉ của nước này được người Việt rất ưa chuộng, với giá bán trung bình tại các siêu thị khoảng 120.000 – 130.000 đồng/500gram. Tuy vậy, ở thị trường Việt Nam, thịt bò Mỹ được định vị ở dòng cao cấp nên mức giá cao hơn, một phần cũng do khó khăn về tỷ giá, thuế nhập khẩu từ 14-20%, trong khi đó nhiều quốc gia khác được hưởng mức thuế thấp hơn nhờ có Hiệp định FTA.

"Sau khi hai quốc gia nâng tầm quan hệ, tôi kỳ vọng Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tạo thuận lợi cho nông sản hai nước, trong đó có các mặt hàng thịt của Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế khi nhập khẩu vào Việt Nam", ông Tú nói.

Nguồn: Vnbusiness