Nới lỏng điều kiện vay để kích hoạt nền kinh tế

Tính đến đầu trung tuần tháng 10, sau 15 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ra khỏi hệ thống gần 165.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) cho hay thiếu vốn sản xuất nhưng vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng từ các nhà băng. Điều đáng nói là nghịch lý trên diễn ra trong bối cảnh thời gian dành cho những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của năm 2023 không còn nhiều.

Dùng tiền thừa hỗ trợ tỷ giá…

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện quan điểm cứng rắn hơn trong cuộc họp chính sách vào hồi tháng 09/2023 (có thể thêm một đợt tăng lãi suất trong năm nay), NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào phiên 21/09/2023 sau hơn 6 tháng tạm ngưng. Và với 15 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu, NHNN đã hút ra khỏi hệ thống tổng cộng gần 165.700 tỷ đồng.

Giới phân tích cho rằng, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất VNĐ trên liên NH, giúp giảm mức chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.

Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận xét, để điều hành tỷ giá, sẽ có 3 cách thường làm: (i) bán ra thị trường USD để giá USD trên thị trường rẻ đi, (ii) hút tiền về qua tín phiếu để giảm thanh khoản thị trường, và (iii) NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá hối đoái.

Tất cả những điều chỉnh đó nhằm làm giảm áp lực cho VNĐ, nhưng biện pháp này chỉ mang tính tức thời, chứ không có tác dụng lâu dài. Do đó, về lâu dài, để ổn định tỷ giá, giữ dòng vốn không chảy đi, điều mà NHNN có thể sẽ thực hiện đó chính là điều chỉnh lãi suất.

“Từ đầu năm đến giờ NHNN áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, tức giảm lãi suất. Nhưng giờ đây có thể sẽ phải xoay chiều chính sách bằng việc áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để giảm lượng tiền trong lưu thông, cũng như đẩy giá trị VNĐ lên. Chênh lệch lãi suất qua đêm giữa USD và VNĐ hiện tại đang khoảng 4 - 5%, là mức khá lớn. Nếu muốn làm giảm áp lực tỷ giá phải tăng lãi suất trở lại” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, điều đáng lo ngại đó là việc điều chỉnh lãi suất sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, đặc biệt là đối với các DN. Bên cạnh đó, nếu NHNN tăng lãi suất vào thời điểm này sẽ làm cho chi phí vốn của các DN sẽ tăng lên, nên việc tăng ngay là chưa thể, song sang năm có thể chính sách sẽ khác.

Tin liên quanDòng tiền vẫn nằm chờ tại ngân hàng để 'nghe ngóng'?Dòng tiền vẫn nằm chờ tại ngân hàng để 'nghe ngóng'?

Nhưng sẽ ảnh hưởng tăng trưởng nền kinh tế

Trong khi các NHTM dồi dào thanh khoản buộc NHNN phải can thiệp hút bớt tiền, thì các DN vẫn “khát vốn”. TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hiện DN sẽ có sự phân hóa thành 2 nhóm là chịu tác động và không chịu tác động của biến động tỷ giá hay thay đổi lãi suất. Bởi có những DN việc hạ hay tăng lãi suất đối với họ đã không thành vấn đề, bởi vì họ không có thị trường, đầu ra cho sản phẩm, do đó nếu càng vay để đầu tư thì càng thua lỗ.

Nhưng cũng có những DN dù cần vốn song không thể vay được, do những điều kiện không thể đáp ứng được tiêu chí của các NH. Chính vì vậy mới cho thấy năng lực hấp thụ vốn của DN đang xuống rất thấp, hay nói đúng hơn là đầu ra sản xuất ảnh hưởng tiêu cực nên tác động ngược lại cả DN và NH.

Phát biểu tại hội nghị kết nối DN - NH được NHNN tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, thẳng thắn nhìn nhận chính những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và những bất thuận từ kinh tế bên ngoài, đã khiến cho nguồn lực của các DN bị cạn kiệt dẫn tới việc các DN không đủ điều kiện để vay vốn NH.

Do đó câu chuyện các NH đòi hỏi các DN phải đáp ứng đủ các tiêu chí của NH đưa ra mới được tiếp cận vốn tín dụng cũng tương tự như bài toán “con gà và quả trứng”. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20%, nhưng các DN vẫn mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.

“Về điều kiện cho vay, NH có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản. Bên cạnh đó, DN muốn vay được vốn NH, cần phải cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài thì sẽ được ưu tiên”- ông Mạc Quốc Anh nói.

Thực tế cho thấy, trong khi sức khỏe DN vẫn chưa phục hồi thì áp lực về mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang dồn lên quý IV-2023. Về vấn đề này, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) nhận xét, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đặt ra 6,5%, giờ đây có thể nói là không thể đạt được. Nhưng nếu có các chính sách phù hợp, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, quan trọng hơn là tạo “bước đệm” để làm đà cho nền kinh tế năm sau.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhìn nhận, nhìn vào bức tranh của DN, có thể thấy đây là điều đáng lo ngại. Hoạt động của DN đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, vốn đăng ký của DN thành lập mới trong 9 tháng năm 2023 giảm 14,6%, trong khi vốn đăng ký bình quân/DN thành lập mới chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm 2022 - là thời điểm cũng từng được đánh giá là khó khăn khi vừa trải qua đại dịch Covid-19.

Theo ông Hiếu, DN khó khăn chủ yếu do tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế.

Nguồn: Báo Sài Gòn