Ngập lụt ở đô thị biển Đà Nẵng, điều nghịch lý đã thành thường trực

Cả 3 mặt giáp biển, với hệ thống sông Cẩm Lệ, sông Cái, sông Hàn... dày đặc, bao bọc cả thành phố, nhưng Đà Nẵng bị ngập nặng mỗi mùa mưa. Đô thị cuối sông đầu biển, được quy hoạch hiện đại, đầu tư hệ thống thoát lũ quy mô lớn, bị ngập là điều khó chấp nhận nhưng điều này dường như đã thành tất nhiên, thường niên... đối với Đà Nẵng.

Đà Nẵng huy động tổng lực sơ tán, cứu hộ người dân xuyên đêm. Ảnh: Công an Đà Nẵng

Từ ngày 13 đến ngày 15/10/2023, Đà Nẵng đã hứng chịu những trận mưa rất lớn, có lúc vượt ngưỡng lượng mưa lịch sử năm 2022 (hơn 700mm). Lần đầu tiên mức cảnh báo thiên tai được nâng lên cao nhất - cấp 4.

Mưa vượt ngưỡng lịch sử, huy động tổng lực ứng phó

Tổng lượng mưa phổ biến tại Đà Nẵng trong những ngày qua là 700-900mm, riêng Sơn Trà là 957,2mm, Thanh Khê: 934,2mm, Hòa Vang: 944mm. Thành phố xảy ra các điểm ngập lụt, ngập cục bộ tại các tuyến đường, khu vực trũng thấp khoảng từ 30 - 50cm, có nơi ngập 1 -1,5m (khoảng 48/57 xã, phường bị ngập). Tuy nhiên, đến nay, thành phố chưa có thiệt hại về người nhờ sự chủ động trong việc sơ tán người dân vùng trũng thấp. Đà Nẵng đã phải đưa hơn 6.800 người đi sơ tán, trong đó 372 người được sơ tán tập trung, 6.463 người sơ tán tại chỗ.

Hơn 4.600 lượt cán bộ chiến sĩ ở nhiều lực lượng tại Đà Nẵng được huy động tham gia ứng trực, cứu hộ, cứu nạn trong đó Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã điều động 200 lượt cán bộ/chiến sĩ hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển và các điểm sạt lở đường khu vực đèo Hải Vân; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền và thực hiện cứu hộ tàu cá bị sóng đánh chìm.

Công an thành phố huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 người hỗ trợ giúp dân sơ tán di dời tài sản tại khu vực đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái - nơi ngập sâu của thành phố. Trong đó, Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, ứng cứu người dân xuyên đêm 13/10/2023 tại các khu vực ngập sâu, tập trung tại địa bàn quận Liên Chiểu.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, các sở, ngành trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo ứng phó ngập lụt, sạt lở các khu vực ngập lụt trên địa bàn các quận và huyện Hòa Vang.

Bộ đội Quân khu 5 dầm mình vào khu dân cư Mẹ Suốt, quận Liên Chiểu để di dời dân. Ảnh: Thành Long

Di dời sớm, lo ăn ở đầy đủ cho bà con

Ông Bùi Trung Khánh - Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - cho biết, hiện người dân tại khu vực ngập trũng ở đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) vẫn chưa thể về nhà được vì nước vẫn còn ngập sâu, dù trời đã ngừng mưa. Tuy nhiên, năm nay, nhờ sự chủ động của địa phương đã giảm thiệt hại đáng kể cho người dân.

Theo UBND phường Hòa Khánh Nam, từ "bài học xương máu" trong mùa mưa bão năm 2022, người dân và chính quyền địa phương đã chủ động hơn trong việc phòng chống mưa lụt. Trước ngày 13/10/2023, người dân đã chủ động kê cao bàn ghế, tivi, tủ lạnh, bếp... kể cả quần áo cũng được người dân cho vào túi nylon và để lên chỗ cao. Người dân trước đó cũng đã tự sơ tán đến nhà người quen, khu vực khô ráo để đảm bảo an toàn cho bản thân. Một số trường hợp kêu cứu, cứu hộ ban đêm là do một số người dân chủ quan, không chịu di dời theo yêu cầu nhưng các lực lượng sau đó đã cứu hộ kịp thời.

Thời điểm xảy ra ngập lụt sâu, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phường Hòa Khánh Nam đã lập tức hỗ trợ hơn 300 phần ăn, nước uống cho người dân tại khu vực trũng thấp bị ngập nặng. Tại các điểm sơ tán, chính quyền địa phương cùng các cá nhân tổ chức đã hỗ trợ chỗ ở, thức ăn và nước uống miễn phí cho người dân. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng có túc trực thường xuyên và có mặt tại các điểm mưa ngập 24/24 để kịp thời hỗ trợ người dân.

Dự báo, Đà Nẵng sẽ còn có mưa trong những ngày tới, tại cuộc họp mới nhất, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương và người dân không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa mới còn kéo dài.

Sở Xây dựng, công ty thoát nước thành phố cần ưu tiên tập trung xử lý chống ngập tại một số vị trí nặng, tăng cường máy bơm tại một số điểm như đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam; quận Liên Chiểu; khu vực Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê tập trung xử lý điểm ngập tại đường Quang Trung, trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng, đảm bảo cho công tác cấp cứu, khám chữa bệnh.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các lực lượng vệ sinh môi trường, thanh niên xung kích và kêu gọi toàn dân tham gia nạo vét miệng cống, không xả rác làm bít miệng cống.

Với lượng mưa 700mm như tháng 10/2022, các nhà chuyên môn cho rằng, lượng mưa quá cực đoan, hiếm và tần suất 100 năm mới lặp lại. Nhưng, đúng 1 năm sau, lịch sử mưa lớn đã lặp lại, vượt ngưỡng. Vì vậy, tất cả các giải pháp quyết liệt, cấp bách hiện nay cũng chỉ là tạm thời, ứng phó, bởi hệ thống thoát nước Đà Nẵng đã được đầu tư bài bản, hiện đại, quy mô lớn, nhưng đã không thể đáp ứng được với thực tiễn mưa lớn này nhất là khi mưa bão, thủy triều, sóng biển đều dâng cao, việc thoát nước ra sông, biển đều hạn chế.

Tin liên quanĐà Nẵng, hướng đến nền tảng phát triển dài hạnĐà Nẵng, hướng đến nền tảng phát triển dài hạn

Nguồn: Laodong