Hoa Kỳ muốn hỗ trợ Việt Nam thành ‘con hổ’ kinh tế của châu Á

Điều quan trọng nhất là mối quan hệ kinh doanh, thương mại và công nghệ bền chặt giữa Hoa Kỳ - Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cốt lõi trong sự hợp tác là công nghệ và giáo dục. Việt Nam có tham vọng tiến xa và trở thành một 'con hổ' mới của châu Á và Hoa Kỳ rất mong muốn hỗ trợ được điều đó.

Đây là chia sẻ trực tuyến của ông Kurt Campbell, Phó Trợ lý Tổng thống, Điều phối viên Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ ngày 31/10/2023.

Nâng tầm mối quan hệ kinh doanh, thương mại và công nghệ

Mở đầu bài phát biểu, ông Kurt Campblell cảm kích nói: “Chúng tôi đã được Chính phủ Việt Nam đón tiếp nồng nhiệt vào tháng trước khi Tổng thống Biden đến Hà Nội. Đây là chuyến thăm tuyệt vời, được đón tiếp bởi Tổng Bí thư, trong đó Hoa Kỳ và Việt Nam đã đưa ra những cam kết để xác lập quan hệ hai nước ở tầm cao mới, tầm cao nhất trong quan hệ song phương”.

Mối quan hệ kinh doanh, thương mại và công nghệ bền chặt giữa Việt Nam - Hoa Kỳ cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo Phó Trợ lý Tổng thống, điều quan trọng nhất là mối quan hệ kinh doanh, thương mại và công nghệ bền chặt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa. “Cốt lõi trong sự hợp tác của chúng ta là công nghệ và giáo dục. Việt Nam có tham vọng tiến xa và trở thành “con hổ” mới của châu Á, Hoa Kỳ rất mong muốn được hỗ trợ điều đó”, ông nói.

Vị Phó Trợ lý Tổng thống cũng tin rằng: “Việt Nam là một thị trường đến quan trọng cho xuất khẩu của Hoa Kỳ”. Theo đó, Hội nghị này cũng được đánh giá là cơ hội cho Việt Nam tìm kiếm một nhà cung cấp ổn định và đáng tin cậy trên các lĩnh vực công nghệ và chuỗi cung ứng, kết nối khu vực Đông Á năng động với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi tin tưởng vào quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có nhiều tiến triển tích cực hơn nữa”, ông Kurt Campbell chia sẻ.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, nhìn nhận giờ đây quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang đặt đúng vị trí. Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược, hai bên cùng chia sẻ mong muốn đưa hợp tác lên tầm cao mới.

Theo Thứ trưởng Ngọc, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ đứng trước cơ hội to lớn cho hợp tác. “Trong cuộc gặp sáng nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nói các bạn không có gì lo lắng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục gặp gỡ, cầu thị với các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, ông Ngọc chia sẻ.

Những việc cần triển khai sắp tới, Chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ cần tiếp tục ưu tiên kinh tế thương mại và đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước chứng kiến không khí lạc quan trong các ngành kinh doanh bán dẫn, điện tử, hàng không, cảng biển…

Trong khi đó, ông Joseph Uddo, Tổng Giám đốc AES Việt Nam, cho biết tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam 15 năm nay trong những lĩnh vực về năng lượng tái tạo. Chủ tịch AES cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện các dự án điện quy mô lớn, cũng như giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng về năng lượng sạch.

Tin liên quanCanada muốn giúp nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầuCanada muốn giúp nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu

Còn nhiều dư địa hợp tác

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo cho rằng: Hai nước đang có những cơ hội chưa từng có để thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Chủ tịch AmCham, ông John Rockhold nhận định: Với việc nâng cấp quan hệ gần đây, có thể thấy đây là một thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời để hợp tác hoàn thiện khung chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư mới và giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiện tại phát triển.

Những sáng kiến, đề xuất trong các lĩnh vực then chốt được thảo luận tại Hội nghị sẽ giúp cải thiện điều kiện kinh doanh, tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội, và thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam.

Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á, AmCham, ông John Goyer, chia sẻ: Chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Biden và việc nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là một bước ngoặt lịch sử.

"Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một đà phát triển chưa từng thấy trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cộng đồng doanh nghiệp của cả hai quốc gia có trách nhiệm tận dụng đà phát triển này để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều lên một tầm cao mới, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Chính phủ hai nước để vượt qua thách thức và trở ngại hiện có", ông John Goyer nói.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% trong một năm thì tới năm 2045, GDP Việt Nam sẽ vượt mức 1.500 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam sẽ có vị thế mới trong nền kinh tế thế giới. Tương lai này cho thấy hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều dư địa và cơ hội để phát triển.

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, với tình hình thế giới ngày nay biến động nhanh, phức tạp với nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, lạm phát và nợ công tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, phục hồi kinh tế chậm còn tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và các vấn đề căng thẳng địa chính trị khu vực, toàn cầu vẫn tiếp tục là những vấn đề cấp bách. Những thách thức này ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp thế giới, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ.

Lãnh đạo VCCI cho rằng, để tận dụng các cơ hội và ứng phó với các thách thức, doanh nghiệp hai nước càng cần có sự chủ động, sáng tạo và gắn kết hơn nữa để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghệ số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong những dư địa hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đầu tư như cơ sở hạ tầng, hàng không, năng lượng sạch và bền vững, chế tạo – chế biến, sản xuất chíp bán dẫn, chuyển đổi số, y tế, dược phẩm...

Dự ánGran Melia Nha TrangGran Melia Nha Trang

Nguồn: Vnbusiness