Lãi suất trung hạn cao, doanh nghiệp dồn tiền cho lĩnh vực khác thay vì bất động sản

Lãi suất cho vay trung hạn hiện nay được cho là quá cao và các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để phát triển dự án. Nhiều doanh nghiệp dồn tiền cho lĩnh vực khác thay vì bất động sản.

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành kể từ đầu năm để hỗ trợ kinh tế, tính đến nay, mức giảm lãi suất trung bình giảm tại các ngân hàng thương mại dao động 1,5-2% tùy theo từng loại. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã có những khoản vay ưu tiên, ưu đãi.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết đối với lĩnh vực bất động sản, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là bám sát các chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, hướng đến việc hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững theo hướng phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu nhà ở thực, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

Ngân hàng Nhà nước nên xem xét hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% như hai năm trước đây.

Theo ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG, bản chất của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà Chính phủ đang quan tâm nằm ở 3 vấn đề:

Thứ nhất là chống đầu cơ đất, hiện nay, việc đầu cơ đất và lũng đoạn thị trường bất động sản đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Người dân mua đất chờ thời cơ tăng giá, khiến một bộ phận lực lượng sản xuất "nằm ngủ" không phát huy tác dụng, rất phí phạm.

Thứ hai, việc tăng lãi suất nên có thời hạn và có định lượng, với lãi suất trung hạn trên 10% thì không có nền kinh tế nào khoẻ mạnh. Các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn từ 3-5%. Lãi suất trung hạn cao, các doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay và khách hàng dồn tiền cho lĩnh vực khác thay vì bất động sản. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% như hai năm trước đây để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của châu Á

Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xử lý hành chính. Khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản là pháp lý, không phải vấn đề ngân hàng. Pháp lý có sự chồng chéo, cùng 1 vấn đề, 1 quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương.

"Tôi cho rằng, "lệ làng" ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các doanh nghiệp rất cơ cực. Do đó, cần có nghị định rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp, trong đó quy định rõ nội dung hoàn thành, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn”, ông Minh đề nghị.

Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết hiện các chủ đầu tư đang vay với lãi suất 8,7%/năm và lãi suất dành cho người mua nhà ở xã hội là 8,2%/năm.

"Mức lãi suất này rất cao và chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư được vay ở mức dưới 6%/năm, người mua nhà được vay với lãi suất dưới 4,5%/năm. Về lợi nhuận định mức, các doanh nghiệp cũng kiến nghị nên quy định ở mức trên 10%, thay vì dưới 10% như hiện nay", ông Khôi kiến nghị.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã kiến nghị việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường, “hiện chủ đầu tư chỉ được tiếp cận vốn vay ngân hàng khi đã hoàn tất thủ tục đất đai và thủ tục xây dựng dự án. Như vậy, với quy trình thủ tục hiện nay sẽ tạo khó khăn trong công tác tiếp cận vốn vay ngân hàng thực hiện dự án theo quy định”, ông nói.

Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị trong ngắn hạn, ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay. Những vấn đề này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thành khoản, công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.

Tin liên quanLãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm mạnhLãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm mạnh

Ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở”.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan đến cổ đông của tổ chức tín dụng.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá: “Thị trường bất động sản đang dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay, có thể nói thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất, bao gồm về tài chính, nhất là trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn; về giao dịch; về tháo gỡ các vướng mắc chính đối với các dự án,...

Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường vẫn còn chậm và nhiều vấn đề tồn tại, trong đó sức cầu hiện nay đang rất yếu, nhất là vấn đề vay để mua nhà, sửa nhà, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng”.

Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giảm lãi suất như chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kiên định không hạ chuẩn tín dụng mà có thể xem xét linh hoạt hơn điều kiện tín dụng như điều kiện về tài sản bảo đảm. Đồng thời, cân nhắc thời điểm, lộ trình áp dụng một số điều khoản về hạn chế cho vay cho phù hợp hơn.

Nguồn: Vnbusiness