- Chủ đề
- Tin tức trong nước
- Thông tư 06
- The Hill Villas Vĩnh Hội
- Sun Cosmo Residence Da Nang
- Tin tức Thế Giới
- Hoiana Residences
- Sol by Melia Cam Ranh
- Tập đoàn Sun Group
- Sân Golf Bà Nà
- Tin tức du lịch
- Sun Riva Vista
- Sun Hoàng Trà Đà Nẵng
- Gran Melia Nha Trang
- Sun Neva Island Đà Nẵng
- Le Méridien Residences Đà Nẵng
- Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư
- Thị trường Bất Động Sản
- Sân Golf BRG Đà Nẵng
- Vĩnh Hội- Quy Nhơn
- Warburg Pincus
- Lodgis Hospitality
- The Ocean Villas Quy Nhơn
- Hoiana Shores Golf Villas
- Fusion Resort & Villas Đà Nẵng
Ba ngân hàng Mỹ phá sản: Những khuyến nghị cho Việt Nam
Việc ba ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank và Signature Bank (SB) phải tuyên bố phá sản không ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam, nhưng cũng mang lại những bài học đáng suy ngẫm.
Sau khi ba ngân hàng Mỹ lần lượt phá sản, Moody’s Investors Service (gọi tắt là Moody’s) - một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn và uy tín nhất thế giới - cũng hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực”.
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia tài chính, giảng viên tại ĐH Bristol (Anh) nhận định dù sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ chưa tác động đáng kể đến Việt Nam, nhưng vẫn phải chú ý đến những chuyển biến ở thị trường đầu tư từ Mỹ và châu Âu vào Việt Nam.
Nước Mỹ và “ác mộng” 15 năm trước?
Việc ba ngân hàng Mỹ phá sản và động thái mới nhất của Moody’s liệu đã đủ để nước Mỹ bắt đầu lo ngại về “cơn ác mộng” khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2007?
So sánh tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng 2007 là không thích hợp vì các NH đổ vỡ lần này có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, và tính lây lan trong hệ thống NH không lớn như trường hợp Lehman Brothers. Ngoài ra, không có một sự sụp đổ tài sản cơ bản là thị trường nhà và vay nợ dưới chuẩn như 2007.
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, chuyên gia tài chính, giảng viên tại ĐH Bristol (Anh). Ảnh: Chuyên gia cung cấp
Đây là một cuộc hoảng loạn của các ngân hàng nhỏ, do đó khả năng tiến triển thành một cuộc khủng hoảng lớn như giai đoạn 2007 là thấp. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu đã vững mạnh hơn giai đoạn 2007 rất nhiều, những ngân hàng lớn có số lượng công cụ giám sát tăng mạnh.
Nói như vậy có đồng nghĩa cuộc khủng hoảng lần này không có gì đáng lo ngại, thưa ông?
Tuy không thể so với khủng hoảng 2007, nhưng tôi nghĩ không nên chủ quan như một số cơ quan, tổ chức ở Mỹ. Thứ nhất, tốc độ người gửi tiền rút tiền ở những ngân hàng nhỏ rất nhanh, có thể vượt mức 40 tỉ USD mỗi ngày ở ngân hàng SVB. Tốc độ rút như vậy thì ngay cả những ngân hàng được cho là vững mạnh cũng không tồn tại nổi.
Đây không phải vấn đề ngân hàng lỗ hay không, kiểm soát tốt hay không, mà với mô hình kinh doanh của ngân hàng, khi người gửi tiền đổ tới rút tiền thì không ai có thể tồn tại được cả, bất kể anh khỏe hay yếu.
Mạng xã hội và truyền thông theo kiểu mới, cộng với công nghệ ngân hàng đã làm cho quá trình rút tiền và lây lan tin đồn trở nên cực kỳ khó kiểm soát.
Quang cảnh trụ sở chính của Ngân hàng Silicon Valley ở hạt Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 17-3, gần một tuần sau khi sụp đổ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ngoài ra, đúng là có tình trạng người ta rút tiền từ ngân hàng nhỏ đổ sang ngân hàng lớn, như ngân hàng Bank of America thu được tới 15 tỉ USD tiền đổ từ ngân hàng nhỏ sang chỉ trong một ngày. Nhưng nếu ngân hàng nhỏ đổ vỡ hết thì chính bản thân ngân hàng lớn cũng lâm nguy vì các tài sản cần thanh lý của ngân hàng nhỏ như trái phiếu, các tài sản cầm cố, cũng liên hệ đến các tài sản chất lượng cao mà ngân hàng lớn nắm giữ.
Vì vậy, không nên chủ quan rằng ngân hàng lớn hiện nay vững hơn 2007 - 2008. Năm 2007 cũng bắt đầu với những ngân hàng không ai biết, và nhiều nhà phân tích vào cuối 2007 cho rằng năm 2008 sẽ tốt hơn. Kết quả là đỉnh điểm của khủng hoảng lại là ở 2008 với Lehman Brothers. Hoảng loạn quá mức là sai, nhưng chủ quan quá mức cũng sẽ nguy hiểm.
Ảnh hưởng không đáng kể đến Việt Nam
Như Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn đã chia sẻ, vấn đề ở Mỹ sẽ không dừng ở Mỹ mà có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước khác. Liệu Việt Nam có chịu ảnh hưởng tiêu cực?
Ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến Việt Nam thì tôi cho rằng chưa đáng kể. Tuy nhiên, nếu tình hình khó khăn ở Mỹ và châu Âu kéo dài, nhiều hoạt động đầu tư vào Việt Nam có thể gặp khó khăn vì nhà đầu tư sẽ có ý định giảm thiểu rủi ro và ngồi chờ xem có phương án đầu tư nào tốt hơn không, hoặc muốn duy trì tiền mặt để phòng thủ cho doanh nghiệp của mình chứ không mở rộng đầu tư. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư mở rộng.
Một màn hình hiển thị logo và thông tin giao dịch của ngân hàng khu vực Western Alliance Bancorporation trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở thành phố New York vào ngày 14/3. Sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley, Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ và đặt Western Alliance Bancorporation cùng nhiều ngân hàng khác vào danh sách theo dõi. Ảnh: REUTERS
Một điều nên lưu ý là có dự báo rằng sau Mỹ và châu Âu tình trạng khó khăn có thể sẽ lan đến một số nền kinh tế như Hàn Quốc và Nhật. Lý do một số tổ chức tài chính và hoạt động xuất khẩu ở những nước này gắn chặt với Mỹ và châu Âu. Điều đó gợi ý rằng Việt Nam cần có chính sách linh hoạt để ứng biến khi xuất hiện những tình huống bất ngờ.
Những tình huống bất ngờ mà Việt Nam cần lưu ý và có kế hoạch ứng phó là gì?
Ví dụ, trong bối cảnh tỷ giá hiện tại còn ổn định, ngân hàng Nhà nước đã có bước đi đúng là nỗ lực hạ lãi suất để giảm khó khăn cho nền kinh tế. Vì nếu khi biến động toàn cầu phức tạp, lãi suất USD và thậm chí là của một số nước xung quanh tăng lên, thì sức ép lên VND sẽ lớn hơn. Khi đó khả năng giảm lãi suất của ngân hàng Nhà nước sẽ bị hạn chế bởi sức ép từ phía tỷ giá. Lúc đó, lựa chọn cân bằng giữa ổn định tỷ giá và hỗ trợ lãi suất lại phải được cân nhắc.
Ở một khía cạnh khác, nếu tình hình kinh tế toàn cầu trở nên xấu hơn, Việt Nam phải chuẩn bị một gói kích thích kinh tế từ phía ngân sách. Khi mà tình hình bất định tăng cao, vốn đầu tư tư nhân chững lại, thì phải dùng vốn đầu tư ngân sách bù vào. Cùng lúc đó, cần đẩy nhanh cải cách để giảm thiểu các chi phí “hành chính” cho doanh nghiệp, bởi đây là cách giảm chi phí hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất cho doanh nghiệp.
Những bài học kinh nghiệm quan trọng
Các quốc gia, trong đó có Việt Nam liệu có học được bài học gì nhìn từ trường hợp của Mỹ trong việc thực hiện chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo sức khỏe bền vững của nền kinh tế, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc như ở Mỹ?
Bài học rõ ràng nhất đó là Mỹ đã lơi lỏng trong việc kiểm soát các ngân hàng nhỏ sau khi thay đổi các điều luật giám sát chặt ngân hàng vào năm 2018. Sau khủng hoảng 2007-2009, nhiều điều luật để kiểm soát an toàn ngân hàng ở Mỹ được đưa ra, nhưng khi đến 2018 thì lại được nới lỏng. Điều đó góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho nhiều khu vực mạo hiểm của nền kinh tế Mỹ (như công nghệ), nhưng cũng tạo ra rủi ro.
Một tòa nhà của ngân hàng Comerica ở Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 17-3. Sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley, Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống NH Mỹ và đưa NH Comerica cùng nhiều ngân hàng khác vào diện theo dõi. Ảnh: EPA-EFE
Mặt khác, lãi suất thấp của giai đoạn trước tạo ra những khoản cho vay và đầu tư rủi ro, như chúng ta thấy ở Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề là, nếu siết lại quá nhanh như ở Trung Quốc thì lại gây đình trệ nền kinh tế kéo dài và cuối cùng vẫn phải điều chỉnh, kích thích trở lại, nhưng vẫn không thấy khởi sắc. Tuy nhiên, để nó lỏng lẻo quá lâu thì lại lâm vào tình trạng như Mỹ hiện nay.
Sẽ không bao giờ có một chính sách kiểm soát tài chính - tiền tệ vững chắc mà đảm bảo được tăng trưởng cao, vì nếu không chấp nhận rủi ro thì sẽ không có cơ hội tăng trưởng. Vấn đề là mức độ khi nào cần phải dừng lại, không để rủi ro đi quá xa, và khi nào cần nới lỏng, không để các chính sách tài chính dẫn đến tình trạng ngân hàng cố thủ không dám cho vay.
Chọn lựa liều lượng là khó, và đưa ra quyết định đó càng khó. Quyết định có chất lượng chỉ có thể được đưa ra khi mà các thông tin từ phía tổ chức tài chính đưa về cơ quan kiểm soát kịp thời, có chất lượng.
Nguồn: Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - PhapluatTPHCM
Bạn đọc quan tâm
Tin tức liên quan