Loại hình bất động sản du lịch cần được làm rõ hơn về mặt pháp lý.

Các chuyên gia cho rằng cần rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định điều chỉnh với bất động sản du lịch tại các dự án Luật sửa đổi đảm bảo tính đồng bộ; thống nhất về khái niệm, bản chất, hình thức bất động sản du lịch…

Ảnh minh họa

Tại Hội thảo "Bất động sản du lịch- Lý luận và thực tiễn" do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, cho ý kiến những vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc phát triển, kinh doanh bất động sản và căn hộ du lịch, cũng như việc hoàn thiện quy định về bất động sản căn hộ du lịch (Condotel) ở Việt Nam hiện nay để thúc đẩy phát triển,…

Theo TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của đất nước. Bất động sản du lịch vừa là cơ sở kinh doanh, vừa là tài sản để thu hút vốn đầu tư và sinh lợi nhuận nhưng việc kinh doanh, phát triển bất động sản du lịch còn nhiều vấn đề tồn đọng...

Có cùng quan điểm này, các chuyên gia cho rằng trong thời gian qua, nhiều luật mới điều chỉnh thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,… và một số luật đang được tiếp tục sửa đổi. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành chủ yếu điều chỉnh đối với kinh doanh bất động sản nói chung, chưa có quy định điều chỉnh trực tiếp đối với bất động sản du lịch.

Điều này khiến chính quyền tại nhiều địa phương cũng các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong quản lý, đầu tư, thực hiện các dự án bất động sản du lịch.

Trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp bộ "Kinh doanh bất động sản du lịch- những vấn đề pháp lý đặt ra”, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội thảo ”Bất động sản du lịch- lý luận và thực tiễn”.

Các chuyên gia cho rằng phần lớn các vướng mắc, các bất cập hiện nay của bất động sản du lịch liên quan đến pháp lý; tên gọi, xác lập quyền sở hữu, một loạt quy trình, thủ tục quản lý liên quan đến xây dựng, mua bán, sử dụng và các tranh chấp khác… Vì vậy, việc hoàn thiện việc khung pháp lý là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

Chuyên gia cho rằng nên bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất về khái niệm, bản chất, hình thức bất động sản du lịch, góp phần tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường này. Các chuyên gia cũng đưa ra những góp ý cụ thể vào một số quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),…

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển rất nhanh cả về quy mô, sản phẩm, phạm vi, giá trị, đòi hỏi quy định của pháp luật phải liên tục cập nhật. Giải quyết vướng mắc về bất động sản du lịch hiện nay cần rà soát để điều chỉnh về quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tin liên quanNhà đầu tư bất động sản đang dần buông tâm lý chờ?Nhà đầu tư bất động sản đang dần buông tâm lý chờ?

Một số ý kiến cho rằng việc đặt tên cho loại hình bất động sản này cần được “Việt hóa”, không nên gọi “Condotel” như hiện nay. Bên cạnh đó, một khái niệm rất mâu thuẫn là nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở. Bất động sản du lịch phải định danh là mua để ở hay mua để kinh doanh và phải giải mã được câu chuyện này. Theo chuyên gia này, bất động sản du lịch là để kinh doanh, không phải để ở.

Liên quan đến vấn đề mục đích sử dụng bất động sản du lịch, các chuyên gia nhấn mạnh mục đích sử dụng của bất động sản du lịch rất khác biệt với nhà ở thông thường. Do đó chỉ nên cấp giấy chứng nhận sở hữu có thời hạn đối với loại hình bất động sản này. Ngay cả bất động sản du lịch hình thành trên đất có quyền sử dụng lâu dài, thì tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ nên cho phép cấp giấy chứng nhận sở hữu có thời hạn.

Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ tránh được tình trạng dự án bất động sản du lịch được bán như dự án nhà ở và tránh gây nhầm lẫn cho người dân như hiện nay.

Cùng với đó, một số ý kiến kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế nhằm tháo gỡ những vướng mắc, phải hoàn tất xây dựng các điều kiện được cấp giấy chứng nhận hoàn thiện sử dụng đất. Đối với các dự án Condotel đã hoàn thiện mà chưa có điều kiện cấp giấy chứng nhận thì cơ quan nhà nước cần nhanh chóng cấp giấy chứng nhận nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư cũng như người mua. Với quy định rõ ràng như vậy, các nhà đầu tư sẽ yên tâm khi quyết định đầu tư với những dự án này.

Dự ánCăn hộ Melia Nha TrangCăn hộ Melia Nha Trang

Thị trường bất động sản du lịch là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Do đó, để thị trường bất động sản du lịch Việt Nam phát triển, trở thành thế mạnh của nhiều địa phương trong cả nước, phải có sự nhận định đúng đắn về vai trò của bất động sản du lịch. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước, các nhà đầu tư bất động sản nên xây dựng một số loại hình du lịch phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện nay...

Nguồn: VnEconomy