Các chỉ tiêu về kinh tế trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

GDP bình quân hai năm rưỡi tăng 5,69% (năm 2021 tăng 2,58%, năm 2022 là 8,02%, 6 tháng năm 2023 là 3,72%). Như vậy, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra (bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%) và chưa bền vững.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5%, trong 2 quý còn lại, tăng trưởng trung bình phải đạt ít nhất 9,27%. Để năm 2023 GDP đạt 6,5% như mục tiêu đề ra (khoảng 6,5% trong giai đoạn 2021 – 2025), tăng trưởng bình quân 2 năm 2024 và 2025 phải đạt 7,7%/năm. Đây là mức rất cao: giai đoạn 2016-2020 GDP trung bình chỉ đạt 5,99%/năm, với điều kiện thị trường trong nước và nước ngoài đều thuận lợi hơn hiện nay. Trong gần 30 năm qua, thời gian tăng trưởng cao (hơn 8-9%) quá ngắn, chỉ duy trì được trong khoảng 10 năm thập kỷ 90 thế kỷ trước và cứ 10 năm, tăng trưởng GDP trung bình giảm hơn 0,5 điểm phần trăm.

Tin liên quanKinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023

Nghị quyết Đại hội 13 đặt mục tiêu cụ thể hơn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về tiêu chí GDP bình quân đầu người, năm 2022 đạt 4.109 USD so với kế hoạch là 3.900 USD, tăng 392 USD so với năm 2021. Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022 Việt Nam đã chạm ngưỡng nhóm nước thu nhập trung bình cao, đạt mục tiêu ngay từ nửa nhiệm kỳ.

Tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021. Chỉ tiêu đô thị hóa 45% cho năm 2025 không dễ dàng nếu kinh tế tăng trưởng không đủ cao để tạo ra việc làm ở đô thị, thu hút lao động từ nông thôn ra đô thị. Thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ tiêu này.

Tin liên quanNửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của ĐảngNửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Liên quan chặt chẽ là chỉ tiêu lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội. Năm 2022 tỷ trọng này là 27,5%. So với mục tiêu đến năm 2025 khoảng 25% thì không cách quá xa nhưng không dễ đạt được.

Cơ cấu kinh tế năm 2021-2022 chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực công nghiệp và xây dựng tăng tương ứng từ 37,86% lên 38,26%. Năm 2022, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu của năm (25,7-25,8%), nhưng thấp hơn không đáng kể so với mục tiêu năm 2025 (25%).

Năm 2021, tỷ trọng kinh tế số đạt 9,6% GDP, đến tháng 6/2022 là 10,41%, cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.

Về mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, 6 tháng 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhiều năm qua, chỉ số CPI luôn thấp dưới mục tiêu đặt ra 4%, nhưng năm 2023 có thể sẽ vượt ngưỡng này, thậm chí vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2023 là 4,5%. Đây là thành tích vĩ mô ổn định và bền vững được duy trì nhiều năm.

Một cân đối vĩ mô quan trọng khác là ngân sách. Tỷ lệ bội chi quyết toán và thực hiện ngân sách năm 2021-2022 về cơ bản đều đạt mục tiêu đề ra cho 5 năm (bình quân 3,7% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,4% GDP, ngân sách địa phương 0,3% GDP), tuy khi lập dự toán thì tỷ lệ bội chi đặt cao hơn mục tiêu (năm 2021 và 2022 là 4% GDP, năm 2023 là 4,42% GDP).

Năm 2021, bội chi ngân sách nhà nước chỉ là 2,52% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương (số tuyệt đối là 214.053 tỷ đồng, bao gồm: bội chi ngân sách trung ương là 211.650 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng - chưa phải là số quyết toán).

Năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, bằng 128,6% dự toán và tăng 14,1% so với quyết toán thu năm 2021. Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 342.600 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP thực hiện (dự toán là 372.900 tỷ đồng, tương ứng 4% GDP).

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm, tổng chi ngân sách nhà nước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán năm. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngân sách nhà nước bội thu 71,2 nghìn đồng.

Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho thấy dự toán thu ngân sách chỉ phản ánh một phần thực tế thu ngân sách: năm 2021 thực tế thu theo dự toán chỉ bằng 66,6 % tổng thu cân đối ngân sách và số thu thực hiện cao hơn dự toán khá nhiều (tăng 17,2%), dù kinh tế chỉ tăng 2,58%. Tỷ lệ thu thuế và phí là 15,1% GDP, vẫn cao hơn (1,1%) so với mục tiêu đề ra (13-14% GDP), dù đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giãn, hoãn thuế hỗ trợ phục hồi kinh tế (giảm thuế, phí, tiền thuê đất tổng cộng 200.300 tỷ đồng, tương ứng 11,7% tổng chi cân đối ngân sách quyết toán năm 2021).

Trong giai đoạn kinh tế chưa phục hồi, chủ trương không ban hành tăng thuế, phí là đúng đắn. Để tiếp tục giảm gánh nặng thuế, phí, lệ phí, có thể xóa bỏ lệ phí trước bạ. Một số loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới đòi hỏi cấp phép, do đó áp dụng lệ phí trước bạ là phù hợp. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng nên xác định ngưỡng miễn nộp, tương tự như thuế thu nhập cá nhân.

Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước 18,7%GDP, cao hơn mục tiêu đề ra (không thấp hơn 16% GDP) nhưng chưa phù hợp với định hướng trong kế hoạch tài chính 5 năm “...nuôi dưỡng nguồn thu bền vững”. Chuyển nguồn sang năm dự toán tiếp theo khá lớn so với dự toán năm và tăng qua các năm: thu chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021 bằng 47,4% dự toán thu của năm 2021 và chuyển nguồn từ năm 2021 sang 2022 tăng 20,7%. Quyết toán ngân sách nhà nước chỉ khẳng định về bội chi ngân sách trung ương, không đưa ra số quyết toán bội chi ngân sách địa phương cho thấy vấn đề kinh niên về lồng ghép ngân sách.

Năng suất lao động, chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, năm 2021 đạt 97,754 triệu đồng/lao động (giá so sánh 2010); năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động), tăng 622 USD so với năm 2021. Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8%, thấp khá xa so với mục tiêu tăng trung bình 6,5%/năm.

Về năng lực cạnh tranh quốc gia, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới công bố năm 2023 thì Việt Nam xếp thứ 56 (mục tiêu là vị trí 50). Theo xếp hạng của Liên hợp quốc về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam xếp thứ 49 vào năm 2020, đến năm 2022 tụt xuống thứ 55 (mục tiêu là 40). Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, năm 2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới  (WIPO) công bố Việt Nam xếp hạng 44, năm 2022 tụt 4 bậc, xuống 48 (mục tiêu là 40).

Tin liên quanKỳ vọng nền kinh tế phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023Kỳ vọng nền kinh tế phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023

Về chính phủ điện tử, năm 2022, Liên hợp quốc xếp hạng Việt Nam thứ 86, không thay đổi so với năm 2020 (mục tiêu là 40). Về chỉ số quyền tài sản năm 2021, Việt Nam từ vị trí cao nhất là 77 tụt xuống thứ 84 trên thế giới (mục tiêu là 60). Như vậy, hiện nay Việt Nam đang cách rất xa mục tiêu năm 2025 về năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là về chính phủ điện tử và quyền tài sản.

Nguồn: VnEconomy