Vì sao các gói vay ưu đãi khó giải ngân?

Thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều gói vay ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thế nhưng, dù “đói” vốn doanh nghiệp vẫn ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi. Theo các chuyên gia, nguyên nhân từ cả cơ chế chính sách, lẫn từ phía doanh nghiệp.

Nhiều gói vay ưu đãi đã “tắc” ngay từ khi bắt đầu triển khai, một trong những nguyên nhân chính là mặt bằng lãi suất (dù đã được điều chỉnh giảm) vẫn ở mức cao; điều kiện vay vốn chưa phù hợp với doanh nghiệp…

Loay hoay với các gói vay ưu đãi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều gói vay ưu đãi vẫn đang bị “tắc” đầu ra.

Điển hình là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng) được áp dụng từ năm 2022 nhưng đến nay mới giải ngân được 0,64%, khoảng 256 tỷ đồng với 1.784 khách hàng đã được nhận hỗ trợ.

Các doanh nghiệp cho rằng, các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các ngân hàng thương mại dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng. Trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất năm nay khoảng hơn 2.430 tỷ đồng. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của chương trình này là 37.430 tỷ đồng.

Thêm một gói hỗ trợ có nguy cơ giải ngân không hiệu quả trong khi nhu cầu của cả người dân và doanh nghiệp đều rất lớn. Đó là gói 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất 8,7% và lãi suất 8,2% cho người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Tin liên quanNHNN giao thêm 'room' tín dụng gần 358.000 tỷ, ngân hàng nào được ưu tiên?NHNN giao thêm 'room' tín dụng gần 358.000 tỷ, ngân hàng nào được ưu tiên?

Thông tin vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay mới có 26 dự án tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với tổng nhu cầu vay vốn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, BIDV giải ngân được 20,5 tỷ đồng, còn Agribank dự kiến giải ngân trong quý III.

Đáng nói là các gói này đã “tắc” ngay từ khi bắt đầu triển khai, một trong những nguyên nhân chính là mặt bằng lãi suất (dù đã được điều chỉnh giảm) vẫn ở mức cao; điều kiện vay vốn chưa phù hợp với doanh nghiệp…

Chẳng hạn, gói 120.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 8,2%/năm thì người nghèo đô thị nói chung rất khó "kham" nổi, nhất là trong bối cảnh thu nhập giảm do kinh tế khó khăn hiện nay. Chưa kể mức lãi vay này chỉ áp dụng trong 5 năm, sau đó thì người vay và ngân hàng sẽ tự thỏa thuận... Một "kết thúc" thả nổi quá rủi ro mà hầu hết người vay không dám liều lĩnh vì có thể dẫn tới không đủ khả năng trả nợ.

Trong khi đó, với gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, khách hàng e ngại khâu thanh kiểm tra sau khi vay của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải "có khả năng phục hồi". Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, nên việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn.

Tin liên quanToàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 07/2023Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 07/2023

Tương tự, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng vừa được triển khai nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được do đơn hàng sụt giảm. Việc “tắc” đầu ra sản phẩm khiến vòng quay vốn chậm và doanh thu suy giảm khiến ngân hàng e dè hơn trong cho vay, cũng như giảm mạnh định mức vay của doanh nghiệp.

Có cả nguyên nhân từ phía doanh nghiệp

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, việc các doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất bên cạnh nguyên nhân từ cơ chế chính sách, còn nguyên nhân từ phía doanh nghiệp.

Ông nói: “Có trường hợp ngân hàng mời doanh nghiệp đến làm việc để cho vay ưu đãi nhưng chính doanh nghiệp thận trọng, gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình thẩm định”.

Bên cạnh đó, có những gói ưu đãi chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên có kết quả kinh doanh dương 3 năm liền kề. Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp không minh bạch tài chính nên khó tiếp cận dòng vốn hỗ trợ này.

Theo các chuyên gia, hiện nay kinh tế vẫn hết sức khó khăn, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang tiếp tục cắt giảm thuế phí, giảm lãi vay, thúc đẩy vốn, đưa ra các gói hỗ trợ... Nhưng quan trọng nhất lúc này là các chính sách phải nhanh chóng được triển khai, nhanh chóng được áp dụng và đi vào cuộc sống.

Chẳng hạn, NHNN cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực khác nhau. Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: “Mặc dù, đã có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng điều kiện được vay vốn không thể đặt ra yêu cầu chung với tất cả doanh nghiệp vì hoạt động du lịch khác với các ngành nghề sản xuất, cần có thời gian để sinh lời”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị có cơ chế dành riêng cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp cho rằng, các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như tài trợ chuỗi cung ứng, cho vay thấu chi doanh nghiệp, cho vay đầu tư tài sản cố định gián tiếp, cho vay mua, phân phối ô tô, các sản phẩm tín dụng ngành tiềm năng...

Trên tất cả, các gói hỗ trợ, ưu đãi về bản chất là sự chia sẻ của Nhà nước với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn nên không thể để bị ế, bị chê hay thiếu hiệu quả. Vì vậy, ngay từ khâu "thiết kế" phải tính toán sao cho hợp lý, hợp tình. Nếu không "nước xa khó cứu lửa gần" vì sức khỏe của rất nhiều doanh nghiệp đã nguy kịch.

Nguồn: Vnbusiness