Dư nợ tín dụng vào bất động sản tăng tại nhiều ngân hàng

Dư nợ tín dụng vào bất động sản tại nhiều ngân hàng thương mại tăng dù thị trường còn khó khăn. Theo đó, các ngân hàng rộng cửa cho vay bất động sản.

Báo cáo tài chính quý III ngân hàng Techcombank cho thấy, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 9 tăng 47,2%, đạt 160.237 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,63% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ dừng ở mức 26,4%.

Dư nợ tín dụng cho vay bất động sản có tín hiệu tích cực.

Tại VPBank, tín dụng kinh doanh bất động sản tới cuối tháng 9 tăng 45%, ghi nhận ở mức 98.192 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Trong khi cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà ở chỉ tăng 6,6%, tỷ trọng giảm so với trước.

Một số ngân hàng khác có ghi nhận mức tăng nhưng nhẹ hơn, như tại MSB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng từ mốc 10.386 tỷ đồng (lên 12.455 tỷ đồng, chiếm 8,82% tổng dư nợ tín dụng. TPBank ở quý III này cũng thống kê mức tăng dư nợ kinh doanh bất động sản từ mốc 10.165 tỷ đồng (ghi nhận đến thời điểm 31/12/2022) lên 13.640 tỷ đồng (ghi nhận đến thời điểm ngày 30/9).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày cuối cùng của tháng 8, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với ngày 30/7.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 266.248 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 40.622 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, chế xuất là 56.571 tỷ đồng; dư nợ đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 53.860 tỷ đồng.

Ngày 24/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cho thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo công điện, Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại: Tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn; có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.

Tin liên quanSau công điện của Thủ tướng, kỳ vọng bất động sản tiếp cận vốn dễ hơnSau công điện của Thủ tướng, kỳ vọng bất động sản tiếp cận vốn dễ hơn

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (gói cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ). Chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Theo kết quả khảo sát về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn....

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.

Đồng thời, khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ; Chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng…

Dự ánSunneva Island Đà NẵngSunneva Island Đà Nẵng

Nguồn: Tienphong