Đi ngược với chính sách thế giới khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải tăng lãi suất lên 40%

Trước đây, Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đã đi ngược quy luật kinh tế khi chống lạm phát bằng cách cắt giảm lãi suất...

Thổ Nhĩ Kỳ vừa có động thái tăng lãi suất 5 điểm phần trăm nhằm ứng phó với chi phí sinh hoạt tăng vọt và tỷ giá đồng nội tệ lira giảm chóng mặt.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - Ảnh: Bloomberg.

Với quyết định nâng lãi suất đưa ra vào hôm thứ Năm vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đưa lãi suất cơ bản lên 40%, mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ. Trước đây, Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đã đi ngược quy luật kinh tế khi chống lạm phát bằng cách cắt giảm lãi suất. Chính sách đó của ông Erdogan đã khiến lạm phát bùng mạnh hơn, dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ càng phải tăng lãi suất mạnh tay hơn.

Đây là đợt tăng lãi suất thứ 6 liên tiếp của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ và là mức tăng cao hơn dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tốc độ lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở mức 61,36%, đẩy các hộ gia đình vào một cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí và đồng lira mất giá không phanh. Dù lãi suất danh nghĩa của Thổ Nhĩ Kỳ đã thuộc hàng cao nhất thế giới, lãi suất thực ở nước này vẫn đang ở trạng thái âm vì tốc độ lạm phát đang cao hơn gấp rưỡi so với lãi suất.

Trong một tuyên bố, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng lãi suất đã gần đỉnh, “tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chậm lại”, và “chu kỳ thắt chặt sẽ sớm kết thúc”. Mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ là đưa lạm phát về 5% trong trung hạn.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đương đầu với tình trạng lạm phát cao dai dẳng trong những năm gần đây.

Sau khi đắc cử Tổng thống vào năm 2003, ông Erdogan đẩy mạnh các dự án lớn, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng mạnh. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ tăng bùng nổ lên gần 1 nghìn tỷ USD, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới. Tuy nhiên, chính việc đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như hạ tầng và viễn thông đã đẩy mức nợ của Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao và khiến nước này phụ thuộc nhiều vào dòng vốn nước ngoài.

Chiến lược vay nợ và đầu tư để phát triển kinh tế đã lộ rõ mặt trái khi tốc độ lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt 20% vào năm 2019 và đồng lira tụt giá chóng mặt so với đồng USD. Nhưng thay vì hành động theo lý thuyết kinh tế là tăng lãi suất để chống lạm phát, ông Erdogan gây sức ép yêu cầu Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất - biện pháp mà giới kinh tế học cho là nguyên nhân “đổ dầu vào lửa” lạm phát.

Vào tháng 8/2022, khi lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt 82%, Ngân hàng Trung ương nước này vẫn hạ lãi suất.

Khi tái đắc cử với chênh lệch số phiếu thấp trong năm nay, ông Erdogan đã đảo ngược mạnh mẽ cách chống lạm phát. Hồi tháng 6, ông bổ nhiệm Hafize Gaye Erkan, cựu CEO của ngân hàng Mỹ First Republic Bank, vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng đưa ông Mehmet Simsek, một cựu chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Mỹ Merrill Lynch, trở lại vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính sau hơn 1 thập kỷ ông Simsek kết thúc nhiệm kỳ ở vị trí này.

Hai ông Erkan và Simsek đã theo đuổi một phương pháp truyền thống hơn để chống lạm phát và ổn định tỷ giá đồng lira. Hồi tháng 6, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bằng động thái tăng lãi suất lên 15% từ 8,5%. Nhờ đó, lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm từ mức đỉnh của năm khoảng 75% ghi nhận. vào tháng 5.

Giới phân tích nhận định ngay cả khi dừng tăng lãi suất, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải giữ lãi suất ở đỉnh trong một khoảng thời gian cho tới khi lạm phát bị khống chế hoàn toàn.

“Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đã đến rất gần hồi kết của chu kfy thắt chặt này. Có khả năng họ sẽ tăng lãi suất thêm một lần cuối 2,5 điểm phần trăm vào tháng 12. Để đạt được tốc độ lạm phát 1 con số trong thập kỷ này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ lãi suất như hiện nay trong một thời gian”, chuyên gia Liam Peach của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics nhận định trong một báo cáo.

Nguồn: vneconomy