Nha Trang đầu tư xây cầu Phú Kiểng gần 500 tỷ đồng để xóa cầu gỗ

Cầu Phú Kiểng kết nối hương lộ 45 với khu vực phía Bắc Hòn Nghê xã Vĩnh Ngọc dài 280m, ngang 16m. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 477 tỷ đồng.

Ngày 24/10/2023, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND TP đã thông qua chủ trương đầu tư cầu Phú Kiểng bằng bê tông cốt thép để thay thế cầu gỗ hiện hữu.

Theo chủ trương đầu tư, cầu Phú Kiểng sẽ được xây dựng hoàn thiện (tại vị trí cầu gỗ) với các tuyến đường kết nối vào cầu theo quy hoạch được duyệt. Khi hoàn thiện cầu có chiều dài 280m, rộng 16m (2+12+2m).

Nha Trang sẽ xây cầu bê tông cốt thép thay cầu gỗ Phú Kiểng. 

Ngoài ra, đường dẫn phía Nam cầu sẽ kết nối với hương lộ 45, đường vuốt nối vào đường hương lộ 45 rộng 20m (4+12+4m), dài khoảng 135m. Riêng đường dẫn phía Bắc kết nối với khu Hòn Nghê chia làm 4 nhánh. Trong đó, đường vuốt nối vào đường ven sông E1 rộng 22m (5+12+5m), dài khoảng 200m; và đường vuốt nối vào đường E2 rộng 16m (4+8+4m), dài khoảng 100m

Tổng mức đầu tư khoảng 477 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp khoảng 300 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác.

Tin liên quanTăng trưởng du lịch vượt Phú Quốc, Đà Nẵng…Nha Trang bứt tốc thành đô thị hỗn hợp, rộng cửa bất động sản đô thịTăng trưởng du lịch vượt Phú Quốc, Đà Nẵng…Nha Trang bứt tốc thành đô thị hỗn hợp, rộng cửa bất động sản đô thị

Ông Nguyễn Sỹ Khánh cho biết, hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực Hòn Nghê, Vĩnh Ngọc đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi các đồ án được thông qua, UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư để thực hiện các thủ tục đầu tư cầu Phú Kiểng. Dự kiến, dự án sẽ triển khai vào quý II/2024 và hoàn thành sau 35 tháng.

Bản đồ vị trí cầu Phú Kiểng.

Được biết, xã Vĩnh Ngọc có 3 thôn Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 với khoảng 2.000 hộ dân nằm bên kia bờ sông Cái. Người dân các thôn này muốn vào trung tâm xã Vĩnh Ngọc để giao dịch, học hành phải đi đường vòng mất khoảng 30 phút.

Khoảng năm 2001, ông Nguyễn Xuân Thuận - người dân địa phương, đứng ra làm cầu gỗ cho người dân đi lại và có thu phí. Do cầu được làm từ những thanh gỗ, sắt, các trụ bê tông ở dưới rất yếu nên người dân cảm thấy bất an khi qua cầu, nhất là vào buổi tối. Nhiều tai nạn đã xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản.

Cầu gỗ Phú Kiểng bắc qua sông Cái TP Nha Trang bị sập hồi tháng 12/2018.

Đặc biệt vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, việc đi qua cầu gỗ hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Khi có lũ lớn, cầu phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn và bảo vệ tại sản nên người dân lại phải đi đường vòng. Việc học hành của học sinh càng trở nên gian nan.

Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, những bất cập khi lưu thông qua cầu gỗ Phú Kiểng chính quyền địa phương luôn nắm bắt. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng cầu mới kiên cố không hề đơn giản bởi cần nguồn kinh phí lớn.

“Đến nay, phương án đầu tư đã có và chỉ chờ quy hoạch để trình HĐND TP Nha Trang thông qua. Khi cầu Phú Kiểng bằng bê tông được vận hành không chỉ đảm bảo an toàn cho bà con lưu thông qua lại sông cái mà sẽ là động lực phát triển kinh tế khu vực này” - ông Nguyễn Sỹ Khánh cho biết.

Dự ánGran Melia Nha TrangGran Melia Nha Trang

Nguồn: Kinh tế đô thị