Thao túng bất động sản nguy hiểm không kém thao túng chứng khoán

Cho rằng thao túng bất động sản nguy hiểm không kém thao túng chứng khoán, nhiều đại biểu đề nghị cần có quy định để xử lý, đồng thời bắt buộc giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần có quy định để xử lý hành vi thao túng bất động sản như xử lý thao túng thị trường chứng khoán - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 31/10/2023, thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội - đề nghị cần có quy định làm rõ về hành vi thao túng bất động sản, "thổi giá" nhà đất.

Xử lý thao túng bất động sản như thao túng chứng khoán

Đại biểu An cho rằng hành vi thao túng bất động sản nguy hiểm không kém hành vi thao túng chứng khoán, trong khi luật hình sự mới có quy định xử lý thao túng chứng khoán.

Theo ông An, hành vi thao túng bất động sản, "thổi giá" nhà đất có nhiều hình thức rất tinh vi, không có quy định cụ thể trong luật để xử lý, loại trừ triệt để sẽ tạo thành bong bóng bất động sản rất nguy hiểm.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị luật cần quy định tất cả giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ rà soát kỹ các nội dung, ý kiến của đại biểu Quốc hội. Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cơ quan của Quốc hội đã phối hợp Chính phủ để rà soát đảm bảo sự thống nhất với các dự thảo luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Với các nội dung giao thoa giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, ông Thanh cho hay dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chỉ đưa vào nội dung về điều kiện nhà ở có sẵn, nhà ở thương mại, quyền và nghĩa vụ các bên liên quan, hoạt động liên quan đến kinh doanh.

Còn nội dung về phát triển nhà ở, chế độ sở hữu, bảo hành bảo trì, cải tạo, phá dỡ quản lý sử dụng thì quy định tại Luật Nhà ở.

Với nhà ở công trình có sẵn hình thành trong tương lai, đa số các đại biểu ủng hộ nhà ở có sẵn phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về tỉ lệ đặt cọc với nhà ở hình thành trong tương lai, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến khác nhau ở mức 5%, 10% hay 15%, ông Thanh nói sẽ nghiên cứu và tiếp thu ý kiến để lựa chọn phương án phù hợp.

Ngoài ra sẽ tiếp thu, nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu về nâng cao chất lượng sàn giao dịch bất động sản.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) - Ảnh: GIA HÂN

Tranh cãi giao dịch bất động sản có bắt buộc phải công chứng hay qua sàn

Việc giao dịch bất động sản phải qua công chứng hay qua sàn giao dịch có ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập giữa các đại biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng hợp đồng giao dịch bất động sản có thể quy định không bắt buộc qua công chứng.

Theo ông Cường, cần phát huy, khuyến khích các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp. Theo đó, không quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn mà phát huy chức năng của sàn giao dịch là trung gian, có trách nhiệm tư vấn cho khách hàng và cung cấp thông tin thị trường cho Nhà nước.

Tin liên quanQuốc hội thảo luận 'bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn hay không'Quốc hội thảo luận 'bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn hay không'

Đại biểu Cường đề xuất khi giao dịch đã qua sàn, các bên có thể dùng giấy xác nhận của sàn, không bắt buộc phải công chứng nữa. Nếu quy định vậy thì cả công chứng cũng "không vui" vì không còn độc quyền, bản thân các môi giới cũng "không vui" vì không thể "tự tung hứng" nhưng sẽ giúp người dân có nhiều sự lựa chọn và minh bạch.

Tranh luận với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng với giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua công chứng và dẫn ví dụ thực tế có nhiều trường hợp chủ đầu tư dự án bất động sản công bố giá mở bán, khi khách hàng hỏi thì "hết hàng" nhưng hỏi qua sàn thì lúc nào cũng có.

Ông Thân cũng đề nghị sàn giao dịch bất động sản chỉ nên khuyến khích, không bắt buộc.

Dự ánSun Cosmo Residence Da NangSun Cosmo Residence Da Nang

Nguồn: Tuoitre