Lực kéo nào giúp tăng dòng vốn FDI vào Đà Nẵng?

Nhiều địa phương trên cả nước nhộn nhịp đón vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì tại Đà Nẵng - thành phố thủ phủ của miền Trung, dòng vốn này lại 'khô hạn'.

Vắng mặt dự án “tỷ đô”

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023.

Nếu tính theo vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung, thì tỉnh Nghệ An đứng đầu, thu hút 720,94 triệu USD vốn FDI. Kế đến là các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế…

Như vậy, TP. Đà Nẵng, vốn sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, từng nhiều năm dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI, lại đang tụt hạng.

Trong 9 tháng năm 2023, số dự án FDI cấp mới trên địa bàn TP. Đà Nẵng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số dự án tăng, nhưng vốn đầu tư lại giảm.

Tính đến ngày 15/09/2023, TP. Đà Nẵng đã cấp mới 82 dự án vốn FDI, với vốn đăng ký cấp mới là 11,888 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 chỉ có 36 dự án cấp mới, nhưng vốn đăng ký cấp mới là 68,477 triệu USD. Ngoài ra, TP. Đà Nẵng điều chỉnh tăng vốn cho 29 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 20,183 triệu USD và 23 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng giá trị 3,093 triệu USD.

Vì vậy, hoạt động đầu tư của dòng vốn FDI trên địa bàn TP. Đà Nẵng chỉ đạt hơn 2.600 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 1.015 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD; chưa có dự án vốn FDI “tỷ đô” nào được triển khai đầu tư tại thành phố này.

Tin liên quanĐà Nẵng: Khu công nghệ cao thu hút nhiều dự án có quy môĐà Nẵng: Khu công nghệ cao thu hút nhiều dự án có quy mô

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, bà Trần Thị Thanh Tâm, có nhiều nguyên nhân khiến việc thu hút vốn FDI đạt thấp, cũng như chưa thu hút được các tập đoàn lớn. Đó là, quỹ đất kêu gọi đầu tư của Đà Nẵng khá hạn chế. Thành phố chủ yếu kêu gọi đầu tư vào các KCN, khu công nghệ cao; trong khi quỹ đất ngoài KCN hầu hết có quy mô nhỏ, không đủ sức thu hút dự án lớn…

Cần lực kéo lớn

Theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi nổi trội về điều kiện tự nhiên, hạ tầng và giao thông thuận lợi; chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư tốt, doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến địa phương này. Cái thiếu của Đà Nẵng là những “sếu đầu đàn”.

“Quan sát sẽ thấy, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung ở hai đầu đất nước, bởi các tập đoàn lớn trên thế giới đã triển khai đầu tư dự án ở đây, kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Đà Nẵng cần thu hút những tập đoàn lớn như thế để tạo động lực cho dòng vốn vốn FDI”, ông Hiếu nhận định.

Cũng theo ông Hiếu, TP. Đà Nẵng đang thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây là bước đi tiềm năng, bởi Việt Nam và Hoa Kỳ đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố đang tập trung thu hút các dự án về công nghệ vi mạch bán dẫn vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ cùng ký kết hợp tác để đẩy mạnh về khoa học công nghệ, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

“Đây là mục tiêu cụ thể, sự đón đầu rất phù hợp của Đà Nẵng. Kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án lớn đầu tư vào Thành phố”, bà Phương thông tin.

Trên lĩnh vực này, Đà Nẵng có lợi thế lớn. Đà Nẵng hiện có một khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất và 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động. Bên cạnh đó, địa phương này cũng đã triển khai đầu tư xây dựng Công viên phần mềm số 2, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác. Đồng thời, tiếp tục mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn II; thu hút đầu tư Không gian sáng tạo Hòa Xuân…

Song song với đó, TP. Đà Nẵng đang triển khai thủ tục đầu tư 3 khu công nghiệp (KCN) mới là KCN Hòa Cầm giai đoạn II, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và bổ sung vào quy hoạch một KCN mới. Tổng diện tích 4 KCN mới này dự kiến khoảng 1.213 ha.

Đà Nẵng cũng đang thúc đẩy hoàn thành các thủ tục để thực hiện đấu giá dự án thương mại Khu thể thao, giải trí và thương mại Hòa Xuân, khu đất thương mại dịch vụ phía Đông Nam ký túc xá sinh viên… Nếu thành công, sẽ thu được trên 200 triệu USD…

TP. Đà Nẵng đang nỗ lực để tìm lại vị trí của mình về thu hút dòng vốn FDI. Tuy nhiên, nếu muốn “sếu đầu đàn” tìm đến, thì Thành phố cần chuẩn bị sẵn chiếc tổ thật tốt!

Dự ánSun Cosmo Residence Da NangSun Cosmo Residence Da Nang

Nguồn: Baodautu