Khủng hoảng trần nợ Mỹ: Hai đảng vẫn tranh cãi kịch liệt, giới chức Mỹ bất an cao độ

Các quan chức tài chính Mỹ tiếp tục đưa ra những cảnh báo u ám về "sự hỗn loạn" và "thảm họa" kinh tế có thể xảy ra nếu không thể nâng cao giới hạn trần nợ quốc gia của Mỹ, trong bối cảnh Washington đang ngày càng tiến gần đến ngưỡng vực vỡ nợ vào đầu tháng 6...

Trước cuộc họp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội vào ngày thứ Ba (9/5), các quan chức tài chính cấp cao của Mỹ đã cảnh báo lại về những tình huống xấu có thể xảy ra nếu Mỹ không thể nâng cao giới hạn trần nợ quốc gia của mình, trong bối cảnh Washington đang tiến gần tới ngưỡng vực phá sản vào đầu tháng 6.

"Chúng tôi biết rằng các đảng Cộng hòa muốn đưa ra một kế hoạch về các ưu tiên và giới hạn chi tiêu, nhưng cuộc đàm phán không thể diễn ra theo cách mà đe dọa đến sự an toàn của người dân Mỹ", Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói trong chương trình ABC This Week vào Chủ Nhật vừa qua.

Bà Janet Yellen - Bộ  trưởng Bộ Tài chính Mỹ

"Thảm họa" đang chờ nước Mỹ

Các thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ muốn giới hạn nợ công bằng cách cắt giảm ngân sách và chi tiêu, nhưng chính quyền ông Biden cho rằng hai vấn đề này không liên quan đến nhau.

Bà Yellen và Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã đưa ra một bức tranh u ám về “thảm họa kinh tế” nếu nợ công không được giới hạn kịp thời và khẳng định rằng, theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, nước này có thể phá sản vào ngày 1/6.

“Nếu chúng ta phá sản, điều đó sẽ ảnh hưởng đến lãi suất, đây là điều rất quan trọng đối với những người muốn mua nhà, mua xe hoặc những công ty đang muốn đầu tư”, ông Adeyemo nói trong một chương trình của kênh MSNBC, cảnh báo về một “thảm họa” có thể xảy ra thay vì đầu tư vào tương lai.

“Chúng ta đã bắt đầu chứng kiến tác động đối với nền kinh tế từ việc Quốc hội không giải quyết được bất ổn này”, ông Adeyemo phát biểu.

Các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng và các nhà phân tích độc lập đã cảnh báo rằng tình trạng bấp bênh hiện nay và khả năng phá sản của Washington có thể gây ra tác động hủy hoại đối với nền kinh tế Mỹ, khiến thị trường chứng khoán giảm giá và hủy hoại hàng triệu việc làm.

“Nếu họ không giải quyết được rắc rối này, chúng ta sẽ đối mặt với một thảm họa kinh tế và tài chính do chính chúng ta gây ra, và Tổng thống Biden cũng như Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ không thể làm gì để ngăn chặn thảm họa đó”, bà Yellen phát biểu và nói thêm rằng “chẳng có lựa chọn khác” nếu Quốc hội không hành động.

Cảnh báo của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra khi một số người suy đoán về khả năng ông Biden viện dẫn Tu chính án thứ 14 (14th Amendment) trong Hiến pháp Mỹ, hoặc thực hiện một hành động cực đoan nào đó khác, nếu trần nợ không được nâng lên kịp thời. “Tôi vẫn chưa tính đến việc đó”, ông Biden nói trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ Sáu khi được hỏi về một động thái như vậy.

Mặc dù viện dẫn Tu chính án thứ 14 là một giải pháp trên phương diện lý thuyết, các chuyên gia cũng cho rằng việc Tổng thống đơn phương phát hành nợ mà không tăng trần sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp và tạo ra sự bất ổn nghiêm trọng dẫn đến khủng hoảng kinh tế và tài chính. Các chính quyền trước đây đã coi một động thái như vậy là không khả thi.

“Không có cách nào để bảo vệ hệ thống tài chính và nền kinh tế của chúng ta ngoài việc Quốc hội làm công việc của mình và nâng trần nợ”, bà Yellen khẳng định.

Cuộc đấu tranh của hai Đảng

Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận một đề xuất rõ ràng, sạch sẽ về việc tăng trần nợ. Theo dự kiến, ông Biden sẽ ngồi lại với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - một nghị sỹ Cộng hoà đến từ bang California - và các nhà lãnh đạo Quốc hội khác vào ngày thứ Ba để thảo luận về trần nợ.

Vào Chủ nhật vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Patrick McHenry đã bày tỏ sự "bi quan khiêm tốn" về triển vọng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ. Ông nghị sỹ Cộng hòa đến từ North Carolina này nói trên chương trình Face the Nation của đài CBS rằng thỏa hiệp cuối cùng để tăng giới hạn nợ sẽ phải "rất giống với dự luật mà chúng tôi đã thông qua ở Hạ viện." Ông cũng cho biết rằng "ở giai đoạn này của cuộc chơi, một thành phần quan trọng mà tôi chưa có được là những gì mà chính quyền sẽ phải chấp nhận".

Dự luật được đề xuất bởi Đảng Cộng hòa và đã được thông qua ở Hạ viện yêu cầu tăng giới hạn nợ quốc gia Mỹ lên thêm 1,5 nghìn tỷ USD từ mức hiện tại là 31,4 nghìn tỷ USD, đổi lại là việc cắt giảm chi tiêu tương tự của Chính phủ liên bang. Dự luật này được cho là khó được thông qua ở Thượng viện vì những người Dân chủ chiếm đa số. Tuy nhiên, dự luật chủ yếu nhằm củng cố các nỗ lực của Đảng Cộng hòa để đàm phán với Đảng Dân chủ.

Hôm Chủ nhật, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện, ông Hakeem Jeffries, đã gọi đề xuất của Đảng Cộng hòa là "lá thư tống tiền", "Đạo luật nước Mỹ vỡ nợ".

"Phe Cộng hòa muốn chúng tôi chấp nhận những khoản cắt giảm chi tiêu mạnh tay này hoặc chấp nhận một vụ vỡ nợ quốc gia thảm khốc. Đó là lập trường vô lý và hy vọng trong vài ngày tới, đảng Cộng hòa sẽ tỉnh táo và làm những gì đúng đắn với người dân Mỹ”, ông Jeffries nói trong chương trình Meet the Press của kênh NBC.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ độc lập Kyrsten Sinema đến từ bang Arizona cho rằng Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng phải rà soát các phương án nâng trần nợ vì cả hai lập trường hiện nay đều khó được thông qua.

“Thực tế là dự luật mà ông McCarthy và các đồng nghiệp của ông ấy đã thông qua Hạ viện sẽ không phải là giải pháp. Thượng viện sẽ không thông qua dự luật đó. Nhưng những gì Tổng thống đang đưa ra cũng không phải là một giải pháp thực tế. Không thể có một giới hạn nợ sạch sẽ và đơn giản. Sẽ không có đủ phiếu thuận cho phương án đó”, bà Sinema nói với kênh CBS vào Chủ nhật vừa qua. Bà cho rằng hai bên cần thương lượng một giải pháp “bảo vệ toàn bộ niềm tin và uy tín của nước Mỹ”.

Nguồn: Vneconomy