Dragon Capital dự báo GDP đạt 5,5-6%, kỳ vọng vào tốc độ và hiệu quả thực thi chính sách

Dragon Capital điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 về mức 5,5-6% so với mức dự phóng 6-6,5% trong nhận định hồi tháng 3.

Giới thiệu Quỹ đầu tư Dragon Capital

Quỹ Dragon Capital (DCVFM) có tên đầy đủ là CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam được thành lập bởi hai tổ chức tài chính hàng đầu Việt Nam là Dragon Capital và CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam. DCVFM có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1994. Quỹ được cấp phép và quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và giám sát lưu ký bởi Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Danh mục sản phẩm của quỹ vô cùng đa dạng, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu. Quỹ ETF của Dragon Capital Vietnam là sản phẩm ETF nội địa duy nhất đang hoạt động tốt và được niêm yết gián tiếp trên sàn chứng khoán Thái Lan và Hàn Quốc. Tính đến nay, DCVFM đang quản lý quy mô tài sản lên tới hơn 77,000 tỷ VNĐ (tương đương gần 4 tỷ USD).

Dragon Capital dự báo GDP đạt 5,5-6%

Trong báo cáo thị trường tháng 4/2023 vừa cập nhật, Dragon Capital cho biết việc điều chỉnh hạ dự báo của quỹ này dựa trên nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam dễ chịu tác động từ bối cảnh toàn cầu bất lợi do độ mở thương mại lớn; trong khi đó tình hình thế giới nhiều khả năng chưa có nhiều cải thiện đáng kể trong một vài tháng tới.

Ảnh minh họa

Điển hình, trong tháng 4 vừa qua, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại đạt 1,5 tỷ USD nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 18,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, tương đương mức giảm 17,1%; với điện tử, may mặc và sản phẩm gỗ là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Sự sụt giảm đơn hàng mới đã tác động đến các hoạt động sản xuất công nghiệp, thể hiện ở mức tăng trưởng khiêm tốn của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) - chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Cùng đó, chỉ số PMI tiếp tục giảm còn 46,7 điểm trong tháng 4 so với mức 47,7 của tháng trước, đánh dấu lần thu hẹp thứ 5 trong vòng 6 tháng vừa qua.

Một điểm tích cực trong bức tranh vĩ mô là sự phục hồi tích cực của ngành du lịch nói riêng và tiêu dùng nội địa nói chung sau kỳ nghỉ lễ cuối tháng 4, theo Dragon Capital. Theo đó, tổng doanh số bán lẻ trong tháng tăng 11,5% so với cùng kỳ, nhờ mức tăng lần lượt 16,6% và 21,1% của ngành du lịch và dịch vụ lưu trú.

Đóng góp phần lớn vào sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch là sự trở lại của nhóm du khách Trung Quốc, với mức tăng mạnh 70% so với tháng 3, thời điểm mà quốc gia này chính thức mở cửa. Kết quả, du khách quốc tế đạt 984.000 lượt trong tháng 4 và tổng 3,7 triệu lượt tính từ đầu năm, tương đương với số lượt khách của cả năm 2022. Tuy nhiên, con số khách du lịch Trung Quốc trên vẫn còn thấp hơn 20% so với giai đoạn trước dịch Covid-19, do đó nhóm phân tích từ Dragon Capital nhận định còn rất nhiều tiềm năng cho sự tăng trưởng của ngành du lịch trong nửa cuối năm nay.

Kỳ vọng từ chính sách

1, Về phía chính sách tiền tệ, Dragon Capital nhận định các điều kiện trên thị trường thế giới hiện cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng

"Trong khi chính sách tài khóa cần có nhiều thời gian để thực thi, chính sách tiền tệ hiện tại đang là công cụ quan trọng của chính phủ trong việc điều tiết và hỗ trợ nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước và chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trên cơ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed - đang dần tiến tới giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, NHNN có thêm động lực trong việc theo đuổi các chính sách tiền tệ thích ứng", báo cáo cho hay.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số quy định mới như Nghị định 02 và Nghị định 03 giúp kéo dài thời hạn áp dụng những quy định hiện hành thêm 6 đến 18 tháng, và đồng thời tạo cho các doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để thích nghi với những tiêu chuẩn mới.

2, Về chính sách tài khóa, chính phủ sẽ tăng lương cơ sở thêm 20,8% kể từ 1/7/2023 và dự kiến giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều thách thức, Dragon Capital điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay về mức 5,5-6%. Ở kịch bản này, dự báo tăng trưởng xuất khẩu đạt 2,7% và tăng trưởng nhập khẩu đạt 1,9%, tương ứng cán cân thương mại thặng dư 14,4 tỷ USD. Giải ngân FDI dự báo đạt 20,9 tỷ USD. Mức CPI trong năm dự báo giữ nguyên, đạt 4,5%.

"Chúng tôi hy vọng rằng trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào ngày 22/5 sắp tới, sẽ có thêm nhiều chính sách mới được đưa ra nhằm hồi phục và phát triển kinh tế, bao gồm cả các giải pháp với mục tiêu gia hạn và tạm hoãn việc gia hạn các loại thuế, phí và tiền sử dụng đất trong năm 2023, giải ngân đầu tư công và giảm thuế VAT", nhóm phân tích nhận định.

Tốc độ và hiệu quả thực thi của những biện pháp hỗ trợ trên sẽ là một trong những yếu tố quyết định ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng của kinh tế của cả năm 2023, Dragon Capital nhấn mạnh.

Nguồn: Mekongasean