Đà Nẵng chuyển đổi một khu công nghiệp thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn

Khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố Đà Nãng…

Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước.

THÊM NHIỀU KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP MỚI

Tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ thông qua, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước; phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp ưu tiên; công nghiệp hỗ trợ.

Để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, Đà Nẵng sẽ hình thành thêm các khu, cụm công nghiệp mới. Trong đó, Khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố.

Liên quan đến nội dung này, TP. Đà Nẵng đã có Đề án di dời khu công nghiệp Đà Nẵng. Khu công nghiệp này hiện có 42 doanh nghiệp đang hoạt động, do Công ty TNHH Massda Land làm chủ đầu tư. Hiện, địa phương cũng đang tiến hành di dời các nhà máy, kho xưởng trong khu công đến vị trí mới.

Khu vực quận Sơn Trà đang có tiềm năng lớn về phát triển du lịch và mật độ dân số tại đây đang rất đông. Việc có một khu công nghiệp nằm sát trung tâm sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng sống của người dân. Bởi vậy, việc chuyển đổi công năng trở thành Khu phố tài chính là rất phù hợp với thực tế cũng như định hướng phát triển trong tương lai của Đà Nẵng.

Đà Nẵng cũng chuyển đổi khu công nghiệp Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình khu công nghiệp sinh thái; Sẽ hình thành mới 3 khu công nghiệp, gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880 ha; Ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các khu công nghiệp hiện hữu.

Đối với Khu công nghệ cao, Đà Nẵng sẽ đưa các khu chức năng vào hoạt động trước năm 2025. Kết nối Khu công nghệ cao và các khu, cụm công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với Khu công nghệ cao…

Thành phố cũng sẽ sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); hoàn thiện khu Công nghệ thông tin tập trung, dự án Không gian đổi mới sáng tạo tại phường Hoà Xuân, Khu Công nghệ thông tin DanangBay, Tòa nhà Viettel Đà Nẵng, Trung tâm chia chọn tự động và kho bãi. Phát triển các Khu công viên phần mềm do các nhà mạng Viễn thông - công nghệ thông tin làm chủ đầu tư.

Về phát triển cụm công nghiệp, triển khai đầu tư xây dựng và sớm đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam. Nghiên cứu hình thành một số cụm công nghiệp có diện tích phù hợp tại các mỏ khoáng sản sau khi đóng cửa trên địa bàn thành phố, đảm bảo điều kiện về địa chất, địa hình, hạ tầng và bảo vệ môi trường.

Đến năm 2030, bổ sung quy hoạch và đầu tư thêm 11 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích quy hoạch hơn 532 ha, gồm: Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) diện tích 13,29 ha; cụm công nghiệp Sơn Trà (quận Sơn Trà) diện tích 50,63 ha; cụm công nghiệp Hòa Liên (huyện Hòa Vang) diện tích 58,53 ha; cụm công nghiệp Hòa Liên 2 diện tích 50 ha; cụm công nghiệp Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) diện tích 24,75 ha; cụm công nghiệp Hòa Nhơn 1 (cụm công nghiệp chế biến thực phẩm) diện tích 44 ha; cụm công nghiệp Hòa Nhơn 2 diện tích 75 ha; cụm công nghiệp Hòa Nhơn 3 diện tích 46 ha; cụm công nghiệp sản xuất thô đá mỹ nghệ Non Nước diện tích 47 ha; cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (huyện Hòa Vang) diện tích 75 ha; và cụm công nghiệp Nam Sơn (huyện Hòa Vang) diện tích 19,6 ha.

Trong đó, đưa Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao (Khu phụ trợ phục vụ Khu công nghệ cao Đà Nẵng) ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp cả nước để hình thành Cụm công nghiệp Hòa Liên (gần khu Công nghệ cao).

Đến năm 2050, sẽ quy hoạch và đầu tư thêm 3 cụm công nghiệp tại huyện Hòa Vang với diện tích 75ha/cụm gồm : Cụm công nghiệp Nam Sơn 2, Cụm công nghiệp Hòa Vang 1, Cụm công nghiệp Hòa Vang 2.

880 HA ĐẤT CHỜ NHÀ ĐẦU TƯ

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 05 khu công nghiệp, 01 khu công nghệ cao, 01 khu công nghệ thông tin tập trung. Tổng diện tích các khu hơn 2.131 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện hữu đạt gần 88%, trong đó có 04 khu công nghiệp lấp đầy 100% (Đà Nẵng; Hòa Cầm giai đoạn 1; Hòa Khánh; Hòa Khánh MR).

Tính đến nay, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đã thu hút 460 dự án đầu tư với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 828 ha.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới của thành phố gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880 ha, mục tiêu thu hút các dự án có quy mô vốn hàng chục triệu USD.

Trong đó, khu công nghiệp Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) có quy mô hơn 360 ha với nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp... Mục tiêu thu hút ít nhất 02 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 04 triệu USD/ha.

Khu công nghiệp Hòa Cầm – Giai đoạn 2 (huyện Hòa Vang) với quy mô hơn 120 ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng. Mục tiêu thu hút ít nhất 01 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 04 triệu USD/ha.

Khu công nghiệp Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) có quy mô hơn 400 ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm... Mục tiêu thu hút ít nhất 02 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 05 triệu USD/ha.

Với những mục tiêu và định hướng đề ra tại Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng đến năm 2030, các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 31-32% trong cơ cấu GRDP của thành phố. Trong đó, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP, trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nguồn: vneconomy