Công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1278/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, sẽ xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ Công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh Ngô Anh Văn

Lễ Công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã diễn ra vào sáng ngày 25/11 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Phát biểu khai mạc Lễ công bố Quy hoạch, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh, Đà Nẵng luôn nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng cũng như tập trung cao cho công tác xây dựng Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Luật Quy hoạch và bối cảnh mới, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Lễ Công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh Ngô Anh Văn.

Theo ông Lê Trung Chinh, Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong giai đoạn mới; là nền tảng để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian sớm nhất. Để triển khai hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã được phê duyệt theo Quy hoạch, thành phố Đà Nẵng rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

"Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp các ý tưởng, triển khai các dự án phù hợp với các mục tiêu đã xây dựng…", ông Lê Trung Chinh khẳng định.

Theo quy hoạch tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ hình thành 02 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 04 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gồm: Vành đai kinh tế phía Bắc (Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển – Logistics); Vành đai kinh tế phía Nam (Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đồng thời Đà Nẵng sẽ hình thành 7 cực, trung tâm phát triển kinh tế xã hội gồm: Trung tâm thành phố; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao; Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics; Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê; Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu; Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Các khu du lịch sinh thái núi.

Trung tâm thành phố sẽ bao gồm trung tâm đô thị hiện hữu tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, nhất là khu trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng.

Trung tâm công nghiệp công nghệ cao sẽ bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn các xã Hòa Liên Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics sẽ tập trung phía Tây Bắc Vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Ga Trung tâm logistics đường sắt; khu logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang. Đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần Cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu Cảng biển trong tương lai.

Đối với Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển sẽ hình thành tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại các quận Hải Châu, Thanh Khê.

Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu sẽ tập trung ở phía Đông Nam thành phố với các Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao.

Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản sẽ ở khu vực phía Tây Nam huyện Hòa Vang.

Hình thành các khu du lịch sinh thái núi gồm: Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Khu vực Hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, Khu du lịch Khe Răm, Khu du lịch sông Nam, sông Bắc, các khu, cụm du lịch phía Tây Nam dọc tuyến Quốc lộ 14G (Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch suối Hoa… thuộc huyện Hòa Vang); Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Khu du lịch sinh thái suối Lương, các khu du lịch phía Đông, phía Tây Nam tuyến đường đèo Hải Vân, Khu du lịch sinh thái đồi Chim Chim, Khu du lịch phía Tây đường tránh Hải Vân, quận Liên Chiểu; khu vực sinh thái nghỉ dưỡng phía Đông tại bán đảo Sơn Trà và huyện Hoàng Sa…

Phát biểu tại buổi Lễ công bố Quy hoạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện, mến khách và đặc biệt là niềm tự hào, khát vọng vươn lên, xây dựng thành phố quê hương ngày càng hiện đại của người dân Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đà Nẵng là cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của Hành lang kinh tế Đông - Tây; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế của khu vực và nằm trên con đường di sản thế giới ở miền Trung với Phong Nha - Kẻ Bàng - Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; có tiềm năng du lịch phong phú, nhất là du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng; nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử... Điều đó khẳng định, Đà Nẵng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển nhanh và bền vững, đóng vai trò là một trong những trung tâm tăng trưởng của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng; Phát huy những tiềm năng lợi thế của mình, với tinh thần hành động quyết liệt, đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một đô thị có tốc độ hiện đại hóa, đô thị hóa thuộc nhóm cao nhất trong cả nước, tạo nên một kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, vượt khó khăn, thách thức để đưa thành phố Đà Nẵng tiến bước, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, là địa điểm tổ chức các sự kiện quốc tế hàng đầu với nhiều công trình, kiến trúc, sự kiện, hiện đại, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng như Cầu Vàng, Cầu Rồng, Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng…

“Bản quy hoạch thành phố Đà Nẵng được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019, thể hiện khát vọng của Nhân dân Đà Nẵng về một thành phố đáng sống, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng thành phố Đà Nẵng sẽ đóng vai trò của một trong các đô thị trung tâm của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên;… Đây sẽ là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kỳ vọng Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột: Kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn: công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Du lịch gắn với sinh thái, văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, giá trị giá tăng.

Lãnh đạo Chính phủ và Thành phố Đà Nẵng trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Lễ Công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh Ngô Anh Văn.

Bên cạnh đó là Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 02 mũi nhọn: cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, để đạt được những mục tiêu tham vọng này không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Đà Nẵng phải chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để thành phố không chỉ đáng sống mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.

“Chìa khoá thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng khơi dậy nguồn lực con người vô cùng mạnh mẽ, chúng ta có niềm tin rằng thành phố Đà Nẵng tiếp tục đạt được những kỳ tích trong phát triển bởi tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của Nhân dân”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nguồn: VN-Economy