'Bão thanh khoản' hoành hành khiến lãi suất thực vẫn cao

Theo chuyên gia, bão thanh khoản đã đi qua ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam vẫn hoành hành, do tăng trưởng cung tiền quá thấp so với tăng trưởng GDP tính theo giá hiện hành, trong bối cảnh vòng quay tiền tệ giảm sâu. Đây là lý do khiến lãi suất thực ở Việt Nam rất cao.

Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra các nhận định đáng chú ý về tình trạng tăng trưởng cung tiền, vòng quay tiền thấp kỷ lục cũng như tình trạng thanh khoản yếu của nền kinh tế.

Tăng trưởng cung tiền quá thấp so với tăng trưởng GDP

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, “bão thanh khoản” đã đi qua ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam vẫn hoành hành, do tăng trưởng cung tiền quá thấp so với tăng trưởng GDP tính theo giá hiện hành, trong bối cảnh vòng quay tiền tệ giảm sâu, từ 1,8 - 2,5 vòng trước đây hiện chỉ còn 0,64 vòng một năm. Đây là lý do khiến lãi suất thực ở Việt Nam rất cao.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Ông Nghĩa nhấn mạnh, lạm phát và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng cung tiền chứ không phải tín dụng.

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp giảm lãi suất, nhưng do cung tiền thấp nên lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung hạn còn cao, phổ biến từ 9 - 11%/năm, có nơi lên tới 14 - 15%/năm”, ông phân tích.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19, thậm chí trong giai đoạn đỉnh điểm dịch Covid (6 tháng đầu năm 2020 – 2021) cung tiền còn tăng trưởng lần lượt 3,48% và 4,59%.

Lạm phát và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng cung tiền chứ không phải tín dụng.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đến ngày 30/6/2023 cung tiền cũng mới chỉ tăng được 2,7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Ông Lực cũng đặc biệt lưu ý về vòng quay tiền tệ. “Vòng quay tiền hiện nay của chúng ta 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt của chúng ta là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra nhiều hơn, vòng quay tiền nhanh hơn một chút”, ông nói.

Lãi suất cho vay trung hạn cần được đưa về mức 7 - 8%/năm

Gợi mở về giải pháp, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất cho vay trung hạn cần được đưa về mức 7 - 8%/năm, đồng thời cải thiện điều kiện tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Ưu tiên thẩm định cho vay dựa trên khả năng trả nợ hơn là tài sản đảm bảo để doanh nghiệp có điều kiện chấp nhận các đơn hàng từ bên ngoài và có vốn đầu tư đổi mới một phần công nghệ nhằm đáp ứng đòi hỏi về tín chỉ carbon trong thời gian tới.

"Chúng tôi đang đề nghị các ngân hàng thương mại đặc biệt là các ngân hàng lớn nhìn vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp để cấp tín dụng. Từ đó, lấy lại lòng tin cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán và bất động sản", ông Nghĩa khuyến nghị.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định nhằm duy trì đà phục hồi của nền kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước cần bình thường hóa các quan hệ tín dụng của mình với các ngân hàng thương mại kể cả các kênh tái cấp vốn, tái chiết khấu...

Tin liên quanCần giải quyết hợp lý thanh khoản của nền kinh tếCần giải quyết hợp lý thanh khoản của nền kinh tế

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chúng ta chưa thiết lập được cơ chế thực sự thị trường giữa cung tiền và lãi suất, do bị cản trở bởi các quy định hành chính. Vì vậy, khó có thể so sánh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước với ngân hàng trung ương các nước.

Tuy vậy, ngay cả khi tiền được bơm ra, việc doanh nghiệp có hấp thụ được vốn hay không cũng là vấn đề nan giải.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra thực tế, hiện nay sức khỏe của doanh nghiệp của nhiều ngành hàng đang rất gay go. Trong bối cảnh này, rõ ràng dòng vốn nên tập trung vào những ngành hàng đang tiềm năng, đang tăng trưởng tốt. Theo đó, các ngân hàng và các ngành hàng cần chủ động hợp tác với nhau để "đẩy" dòng vốn.

Để ngân hàng, doanh nghiệp gặp nhau, theo ông Tuấn, doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị, minh bạch sổ sách, phía ngân hàng cũng hạn chế các loại phí, các ràng buộc hợp đồng khác.

TS Cấn Văn Lực cũng nhận định, giảm lãi suất chỉ là 1 vế của vấn đề, là điều kiện cần. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng. Vấn đề là làm thế nào tăng cả cung và cầu. Phía cầu đã giảm lãi suất rồi, phía cung là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

“Cuối cùng, phải khơi thông cả những kênh dẫn vốn khác, bởi vì kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng, 2 quý đầu năm chỉ bằng 60% với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chúng ta khơi thông được chỗ này thì rõ ràng dòng vốn trung và dài hạn sẽ khá nhiều”, ông Lực cho hay.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý một điểm là giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Trong những tháng vừa qua, một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán. Như vậy vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua.

Nguồn: Vnbusiness